Gần chỗ tôi ở, có một cụ nghè, đỗ khoa nào tôi không rõ. cụ nghè nổi tiếng là hay chữ. Những thơ phú, câu đối, cụ làm ra, toàn là chữ nho cả, tôi ù cạc như vịt nghe sấm, nhưng thấy người vùng này thuộc nhiều và đều phục là hay lắm.
Làng cụ ở cách nhà tôi độ ba cây số. Những ngày rỗi việc, tôi thường đi lại để được hầu chuyện cụ. Vì tính cụ vui vẻ, dễ dãi, nhất là tiếp đãi tôi, thì bao giờ cũng một cách đặc biệt. Thường cụ vẫn bảo tôi rằng nếu có cần việc gì về chữ nho, thì cụ sẵn lòng giúp.
Tôi vâng dạ, nhưng chửa có dịp nào được phiền đến cụ, vì chửa có dịp nào phải cần giao thiệp bằng chữ nho. Nhiều người cứ xui tôi xin cụ đôi câu đối, nhưng tôi không muốn. Vì vẫn biết cụ sẵn lòng cho, nhưng chính mắt tôi thường trông thấy phàm ai muốn nhờ vả cụ về chữ nghĩa, đều phải có đem hoặc cành cau, hoặc gói chè, hoặc có khi cả đồng bạc nữa, để biếu cụ. Chứ không ai chơi cái lối "nước dãi" bao giờ. Như thế thực là phải. Cho nên, chẳng lẽ bây giờ mình nhờ cụ, mà cũng xử như người ta, đem gì đến, thì sợ cụ cười rằng trẻ con không biết gì. nhưng nếu ngộ không tạ cụ bằng thức gì, thì cụ lại chẳng bằng lòng vì cách "tây" quá ấy chăng. bất nhược chẳng phiền cụ cho xong quách.
Một hôm nhận được giấy cáo phó của một người bạn thân báo tin ông cụ thân sinh mới tạ thế, tôi cùng vài người anh em định rủ nhau sửa đồ phúng chung.
Ngày thường, chúng tôi vẫn nghe lỏm nhiều người nói chuyện rằng phúng đám ma các cụ già, người ta hay dùng bốn chữ hạc giá tiên du. Chúng tôi định thửa ở hiệu bốn chữ ấy. Nhưng mặt chữ không thuộc, nên không biết viết thế nào. Mà đành phận chữ chi là cò cũng không biết, thì thà chịu dốt còn hơn. Vả lại bốn chữ sẵn này, tuy hợp nghĩa, nhưng nó cũ rích, lại chẳng hay ho gì, không đủ tỏ được cái tình thân mật của chúng tôi đối với hiếu chủ. Chúng tôi bèn quyết không dùng mấy chữ sáo hạc giá tiên du ấy nữa. Nhân có cụ nghè ở gần, chi bằng chúng tôi lại xin ngay chữ cụ, tất được hay lắm.
Chúng tôi biết tính cụ nghè thích đánh chén, mà xưa nay chúng tôi lại chưa được dịp vào hầu rượu cụ, nên nhân việc này, chúng tôi mời cụ đến xơi cơm, rồi nói chuyện xin chữ cho tiện.
Dặn dò người nhà làm cơm và mua rượu xong, chúng tôi cùng thân hành đến nhà cụ nghè để đón cụ. Hôm ấy, được ngày cụ thong thả và mát trời, nên cụ đi ngay.
Cơm xong, tôi nói:
- Thưa cụ, tiện đây, chúng con có một việc muốn phiền cụ.
- Hừ! Các ông lại muốn nhờ làm câu đối chứ gì?
- Dạ.
- Thế thì việc quái gì phải bày vẽ ra như thế này cho thêm tốn?
- Bẩm có gì là bày vẽ. Chúng con chủ ý mời cụ quá bộ đến xơi cơm để chúng con được hân hạnh hầu rượu cụ mà thôi.
- Câu đối gì?
- Bẩm câu đối phúng.
- Phúng ai?
- Bẩm phúng ông thân sinh một người bạn thân.
- Được! Đem giấy, bút, mực ra đây.
Chúng tôi đưa lọ mực tây và bút sắt. cụ không nghe, cười:
- Tôi có quen dùng những thứ này đâu?
Chúng tôi bèn chia nhau đi mượn cho đủ bộ. khi thấy mang về, cụ bảo:
- Mài mực đi. Ông đổ ít nước lã vào đây, rồi mài thoi mực này mươi vòng vào chỗ này, khi nào đen thì thôi.
Chúng tôi vâng lời cụ. Khi mực mài xong, cụ để các đồ dùng trước mặt, lên ngọn kính, rồi hỏi:
- Viếng ông cụ thân sinh ra bạn thân phải không?
- Dạ.
- Ông cụ ấy bao nhiêu tuổi?
- Bẩm ngót bảy mươi.
- À thọ nhỉ? Con cháu khá cả đấy chứ?
- Bẩm vâng.
- Ông cụ ấy còn cha mẹ già không?
- Không ạ.
- Bà cụ còn chứ?
- Dạ.
- Được. ấy, phải biết đủ như thế, mới có thể giãi tỏ hết cả tấm lòng mình được.
Cụ nằm phục vị trước tờ giấy, chống tay vào cằm, nghiêm nét mặt lại, rồi rung đùi, cơ chừng để nghĩ. chúng tôi ngồi chắp tay, yên lặng cả, để khỏi làm rối mất mối văn chương của cụ nghè.
Một lúc, cụ ngồi nhổm dậy, nói:
- Mà cần gì phải câu đối. Bây giờ những đám ma văn minh người ta có hay dùng câu đối nữa đâu? Để tôi nghĩ cho bốn chữ rõ hay, các ông có bằng lòng không?
- Dạ!
- Được.
Cụ lại phục vị, cầm bút chấm vào nghiên, xoe ngòi cho tròn rồi viết. chúng tôi châu đầu cả vào để nhìn tay cụ.
Đầu tiên, cụ nắn nót viết một dòng chữ về mé tay phải ở tờ giấy, chỗ đề niên hiệu:
Bảo Đại nhâm thân niên trọng hạ nhật.
Rồi cụ đưa phắt tay sang mé trái tờ giấy, viết luôn một dòng chữ nữa đề lạc khoản:
Tử chấp: trần văn x, trịnh hữu y, nguyễn mạnh z, đồng trang vãn.
Cụ hỏi:
- Có phải tên các ông viết thế không? Dòng bên kia là đề ngày, tháng, năm đấy.
- Dạ.
- Tử chấp nghĩa là hàng con, các ông cũng vào hàng con cụ ấy.
- Dạ.
Chỗ giữa vẫn còn để trống. cụ lại hỏi:
- Ông cụ có phải không nhỉ?
- Dạ.
Lúc ấy cụ lại ra dáng nghĩ ngợi hơn, gục hẳn mặt vào bàn tay và rung chân mạnh hơn trước. Rồi ngẩng dậy, cụ đặt bút, chấm vào mực, lăn mãi ngòi vào nghiên. Chúng tôi lại phải im phăng phắc, không dám thở mạnh để cụ loạn trí, mất chữ hay, chăm chăm con mắt nhìn theo tay cụ.
Độ năm phút sau, cụ đặt bút xuống chiếu, gãi chân, rồi kêu nực, chúng tôi quạt hầu. Cụ cầm bút rồi rung đùi. Một chốc, cụ lại xoay bút, không rung đùi nữa, đặt hẳn ngòi trên mặt tờ giấy, đưa đi đưa lại cái quản, ngoáy ngoáy trên không để lấy gân, rồi dí hẳn xuống, nắn nót, viết bốn chữ nét rậm rì to tướng.
Viết xong, cụ nhổm phắt dậy, trỏ vào từng chữ mà giảng cho chúng tôi được hiểu thấu cái hay. Cụ nghè giảng rằng:
- Hạc là con hạc, giá là xe, tiên là cõi tiên, du là chơi, các ông hiểu chưa?
Hiểu rồi, chúng tôi lườm nhau, chỉ sợ có anh nào cười thì chết!...
An Nam tạp chí số 45, 1932.