Người chị dâu tôi

Hồ Dzếnh

Dòng máu Trung Hoa thấm đến ba anh em chúng tôi thì không còn được nguyên chất nữa.

Người lo đến cái ngày lạc giống nhất, có lẽ là ba tôi. Triết lý qua làn khói thuốc phiện, chén nước chè Tàu, ba tôi thường bảo:

- Thế nào một trong ba đứa cũng phải cho về quê mới được!

Công việc gây lại nòi giống Trung Hoa thiêng liêng được anh tôi đảm nhận bằng cách cưới, sau bốn năm trời nghiên bút, một người vợ đặc Tàu. Cái hỷ tín ấy bắn từ bên kia trùng dương sang khiến ba tôi vuốt râu cười khoái chí, trong khi mẹ tôi có vẻ không bằng lòng. Rồi, mặc dầu sự phản đối nhỏ nhặt của người đàn bà phương Đông yếu đuối, chị dâu tôi đã ở dưới cái nóc nhà thân mật với chúng tôi, cái nóc nhà sau này từng chứng kiến những ngày buồn thảm của đời chị, mà tôi muốn tả ra đây bằng một nét bút chí thành.

Hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người đàn bà lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần.

*
* *

- Ừ, rồi tha hồ mà vui. Chốc nữa chị dâu mày sắp về đấy!

Mẹ tôi bỏ rá gạo vo xong xuống miệng chum, nhìn tôi và cười một vẻ mai mỉa. Từ hôm nhận được tin anh tôi cưới vợ, mẹ tôi đâm ra buồn rượi suốt ngày. Là vì mẹ tôi đã có định kiến sẵn về cuộc hôn nhân của anh tôi, và người con dâu của mẹ tôi phải là người biết gồng gánh, biết chịu khó xay lúa, giã gạo, cáng đáng mọi việc trong nhà. Tôi còn nhớ hôm cầm đến ảnh anh chị tôi, mẹ tôi thở dài:

- Cái ngữ này rồi lại chỉ xõng xác ra là hết!

Tôi nhỏ nên vẫn dễ tưởng tượng. Tôi tưởng tượng chị dâu tôi là một thiếu phụ sang trọng, đẹp đẽ, bó chân và chuốt bím bằng dầu thơm. Năm sáu lần, cầm bức ảnh chụp từ bên Tàu gửi sang, tôi sung sướng vì sắp được làm em một người đàn bà Tàu quý phái, yêu tôi và cho tôi nhiều tiền. Mà chị dâu tôi đẹp thật, nói là yểu điệu thì đúng hơn.

Đôi má hồng luôn, và cặp mắt ngơ ngác như vừa qua cái thảm cảnh phân ly, chị tôi nhìn chúng tôi, thằng nhớn dắt tay thằng nhỏ, ngó chăm chú cái con người bắt đầu đến làm thân với hơi bàn ghế trong nhà. Mẹ tôi lúc ấy không có ở đấy. Chỉ có mình ba tôi yếu đuối ngồi trên sập gụ mỉm cười. Tôi đánh bạo xán lại gần chị. Chị vui vẻ vuốt tóc tôi, và dúi vào tay tôi hai hào chỉ. Tôi càng mến chị tôi hơn lên, quấn quýt bên chị suốt ngày. Hình như chị dâu tôi sống giữa sự lãnh đạm của mọi người, trừ anh Cả tôi – chồng chị – và tôi, những người đem lại cho chị một phần lớn tình lưu luyến của gia đình.

Thậm chí đến anh Hai tôi cũng thường bảo tôi:

- Mày cứ xán lại gần chị ấy, mẹ ghét lắm đấy!

Mỗi lần anh tôi mắng, tôi thường đem những đồng hào mới tinh ra khoe:

- Này, anh xem, chị ấy tốt lắm kia!

Chị dâu tôi sống trong sự bỡ ngỡ có đến ngót hai tháng. Một hôm đi học về, tôi ngạc nhiên thấy chị đang xay lúa, thở hổn hển và luôn luôn đưa khăn mặt lên lau trán. Tôi chạy ngay xuống nhà bếp, giận dỗi hỏi mẹ tôi:

- Sao mẹ bắt chị cả xay lúa thế? Chị Cả có quen làm những công việc ấy đâu!

Mẹ tôi trừng mắt:

- Không quen thì không làm à? Tao mua con dâu về có phải để mà thờ đâu!

Tôi ức quá, toan cãi, nhưng nghĩ đến ngọn roi mây, lại thôi. Mẹ tôi, nói đúng ra, không phải là người ác. Sự cần cù có từ khi lấy ba tôi, và cái thành kiến xấu xa về mẹ chồng, con dâu nuôi ngấm ngầm trong những đầu óc bảo thủ, là hai cớ chính xui mẹ tôi khinh ghét những kẻ không quen làm.

Thông minh, chị dâu tôi dần dần làm được hết mọi việc. Từ chiếc áo dài hoa, đôi giày nhiễu, chị tôi đã nhũn nhặn đổi sang bộ quần áo màu chàm thẫm, đôi dép da trâu mà chị tôi không bao giờ rời ra nữa. Cực khổ nhất là mấy tháng đầu, khi chị tôi chưa nói thạo tiếng Việt Nam. Nhớ đến sự cực khổ ấy, có lần chị tôi đã nhắc lại:

- Thà cứ câm đi mà hơn, chú ạ.

Nhà tôi là nhà nghèo, cơm thường ghế khoai cho đỡ gạo. Trừ tôi là được ăn cơm trắng. Nấu niêu cơm ngon lành mà tôi thường ăn hết ấy, tai hại, lại là công việc của chị tôi, một người đàn bà Tàu xưa nay chỉ quen sống trong cảnh đài các. Một hôm, ăn quá no, tôi bảo đùa chị:

- Chị ăn hộ cả cơm cho em nhé!

Chị tôi ăn thật, ăn ngon lành, nhưng với một vẻ sợ hãi làm tôi đoán ra là lâu nay chị thường thèm những bữa cơm gạo trắng lắm. Từ đấy, tôi thường kín đáo dành lại trong nồi một hai bát và bao giờ, bao giờ, chị dâu tôi cũng nể lòng ăn hết!

Chị tôi hay khóc lắm, khóc rưng rức suốt ngày. Chị thường bảo tôi bằng một giọng lơ lớ:

- Mẹ hay mắng lắm, em ạ!

Tôi còn nhỏ, không biết can gián, yên ủi thế nào cho khéo, ngoài cách khóc theo với chị tôi. Tôi hiểu biết người đàn bà ấy lắm, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt mẵn xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc. Trông chị ngồi tẩn mẩn làm những công việc hằng ngày mà có lẽ trước kia, chị không bao giờ ngờ sẽ phải nhúng tay tới, tôi thấy tâm hồn xúc động, bâng khuâng... Tôi nghĩ đến cái tổ quốc Trung Hoa với những manh áo chàm giang hồ khắp tứ xứ, cái tổ quốc mà tôi chưa từng biết bao giờ!

- Tối rồi, em ạ, thắp đèn mà học đi!

Ô hay! Sao lúc viết mấy dòng chữ này, tôi còn thấy như một niềm bối rối, gió tối bận bịu trong chùm tre, một đốm lửa lung lay châm loe vào bóng đêm bất tận! Tôi chăm chỉ ngồi học dưới ánh đèn lúc ấy, nhưng lúc này, quay nhìn lại cái dĩ vãng không vui vẻ, tôi rùng mình thấy hiện ra trên cái gì xa xôi, một váng vất buồn rầu, tang chế. Người chị dâu tôi... Người chị dâu tôi...

Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà lìa quê hương ấy đã là cái đề cho tôi khóc bằng thơ để làm ố hoen cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp.

Hai năm sau, chị dâu tôi sinh thằng cháu đầu lòng thì ba tôi mất. Mẹ tôi yếu, gia đình sa sút thêm. Chỉ còn mình tôi là được đi học. Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

- Chị về chịu khó hầu mẹ nhé. Đến Tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt.

Từ đấy cứ tuần tuần, tôi gửi về một bức thư, phần nhiều là thư khuyên mẹ tôi ăn ở rộng lượng với mọi người trong nhà. Làm như thế, tôi mong mỏi sẽ vợi được ở lòng người chị dâu đau khổ của tôi những nỗi buồn rầu khi xa đất nước...

Mỗi một dịp được nghỉ về nhà, với tôi hồi ấy, là sự giải thoát cái ngục tù thành phố, nơi tôi chỉ mơ màng thấy hình bóng một người đàn bà Tàu đau khổ. Tội nghiệp, những lúc trông thấy mặt tôi, chị dâu tôi cứ đứng ngây người ra, vì sự cảm động đã làm cạn hết lời nói. Tôi giấu mẹ tôi những thức quà biếu chị, có lúc là chai dầu thơm, có khi là vài thước lụa. Chị tôi thường phàn nàn:

- Chú tử tế với chị quá. Chị chả biết biếu chú gì được bây giờ.

Có, chị ạ, chị đã biếu em một thứ quà quý nhất, một tấm lòng thương người, một chân tình xứng đáng. Và bây giờ đây, trong cái linh hồn thơ pha lệ bị vùi sâu giữa cát bụi cuộc đời, vẫn còn sáng mãi những cảm tình chân thật buổi đầu.

Thường thường, chị kể chuyện cho tôi nghe:

- Chú ạ, ngày xưa chị sung sướng lắm kia. Chị là con một trong gia đình quý phái, cũng được nuông chiều như chú bây giờ, có phần hơn thế nữa.

Nói xong, chị tôi lại khóc. Chị tôi chỉ biết khóc. Những bữa cơm khoai, những ngày lam lũ đã làm chị chạnh nhớ đến cảnh sum họp năm nào.

Thời hạn nghỉ của nhà trường rất ngắn, nên thường thường tôi chỉ ở nhà được ba hôm là cùng. Mỗi lần lên tỉnh, chị tôi hay cho tôi tiền, hoặc bỏ giấu vào túi áo, hoặc nhét dưới đáy valise, và dặn quen miệng:

- Chú chăm mà học, rồi về dạy cháu.

Anh Cả tôi vì công việc làm ăn ở tỉnh, chỉ có thể về quê thăm nhà mỗi năm vào dịp Tết. Vắng hai người thân ái nhất, chị tôi trở lại sống buồn bã như ngày mới về nhà chồng. Tiếng xay lúa ồ ồ nhiều lúc đến tận hai giờ sáng, như những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người.

Hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành một người đàn bà quê Việt Nam đặc. Trên cánh đồng rộng rãi của làng Đông Bích, người ta thường thấy một dải áo chàm in bật trên nền trời mỗi sáng, chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu một cuộc sống vâng lời, ngu muội.

Chị dâu tôi đã khác với ngày trước lắm rồi. Ba năm đôi, mấy đứa cháu tôi thi nhau ra đời, thi nhau sống một cách cơ cực và thi nhau kết thêm một ít dây liên lạc trói buộc chặt chẽ người mẹ chúng nó với cái đất nước này.

Người đàn bà ấy đã thôi không bao giờ còn dám hy vọng trở về quê hương nữa.

Tôi ra đời, xếp sách vở lại, mang vào trong bụi bặm cái hình bóng một người chị dâu lam lũ, nghèo hèn, chút chân tình nhận được khi trái tim tôi chưa biết đập một tiếng giả dối nào.

Sáu năm rồi, tôi cố nhắm mắt xoá cái vết đen mò của dĩ vãng, và xoá luôn cả những kỉ niệm buổi đầu.

Vài ba lá thư mỏng mảnh thỉnh thoảng rơi vào trong cái tẻ lạnh của đời tôi, đem lại nỗi nhớ nhung còn vấn vương ở góc trời cũ. Mẹ tôi bây giờ đã già, ngót bảy mươi tuổi. Chị tôi thêm được mấy cháu, đôi mắt lâu ngày tôi chưa gặp, chắc cũng mờ dần dần.

Tôi đi con đường tôi, đem châu báu của lòng ném hết vào những cuộc tình duyên vô vọng. Tôi hao phí thanh xuân đi để chóng thấy cái ngày già sắp tới, để tự phụ là mình biết sống đúng theo linh hồn.

Trên cái bao lơn của năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật.

Chỉ có tôi là sống ích kỷ, còn người mẹ già, người chị dâu đau khổ, mấy đứa cháu rách rưới, vẫn sống theo khuôn phép, lặng lẽ và cần cù.

Sáu năm! Tôi xa quê hương sáu năm rồi mà không một lần nào nghĩ đến chuyện trở lại. Cái sức khỏe yếu ớt của mẹ tôi còn đứng được hay không, tôi không biết, và người chị dâu lưu lạc của tôi, có nói dối mấy đi nữa, chắc cũng đã quá chiều, xế bóng rồi...


4-1938
Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ.
Nhà xuất bản Nguyễn Hà, Hà Nội, 1942.