Tặng Vũ Mỹ Lương
Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ cầu cứu nhau.
Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng", để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân mật hơn ông láng giềng thuở trước. Vì những lẽ cần kính trọng nhau, để dễ cần dùng lẫn nhau, cần lấy lòng nhau vào nhiều dịp, nhất là không thể giấu giếm, đậy điệm những cái xấu đi, cho nên những gia đình kim thời phải ở thuê chung nhau một nhà, đối với nhau quả là thân thiết hơn cả họ hàng nữa.
Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.
*
* *
Kể từ khi ấy đến nay, tính ra đã bốn năm tròn. Nghĩa là sau khi sống chung đụng nhau một thời gian khá dài, hai gia đình chúng tôi mỗi bên dọn nhà đi một phương, đã bốn năm nay cách biệt hẳn nhau. ở cái thời buổi mà ai cũng sống hấp tấp, vội vàng này, những điều thiêng liêng đáng ghi nhớ thế nào đi nữa, thì rồi người ta cũng dễ quên khuấy ngay đi... Có phải thế không? Cho nên bốn năm trời xa nhau, tôi chẳng còn nhớ gì đến người ta nữa, mặc lòng xưa kia tôi đã cư xử và được đáp lại như anh em ruột thịt, tưởng chừng cái thân tình quý hóa ấy sẽ sống trường cửu trong ký ức của đôi bên mãi mãi.
Còn về phần người ta, liệu người ta có nhớ gì đến chúng tôi chăng? Có lắm. Bởi cớ nếu không, ắt đã chẳng có câu chuyện này...
Chỉ phiền một nỗi là khi người ta làm cái việc để tỏ rằng còn nhớ đến chúng tôi, thì người ta đã túng bấn, nghèo khổ, chẳng còn được như trước nữa. Vả lại, theo thường lệ, sở dĩ loài người ăn ở tử tế được với nhau, ấy chỉ là vì chưa làm gì đến nỗi để cho quyền lợi xung đột nhau mà thôi. Nếu cả hai bên ai cũng theo đuổi được cái điều kiện nay ăn miếng chả mai trả miếng bùi, một bên có đi thì bên kia cũng phải có lại để cho được toại lòng nhau, thì làm gì xã hội lại sẽ chẳng cứ mãi mãi là cảnh Bồng lai? Than ôi, cái áo rách nó mới đắc tội làm sao, và khi người ta tìm đến chúng tôi, thì chẳng may cái áo người ta đã rách!
Những tư tưởng ái nhân như kỷ cũng đôi khi làm rung động lòng tôi, lúc ấy nó mới biến mất đi đâu, để nhường chỗ lại cho cái tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỷ tổ truyền!... Vì chưng nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình, sự ấy nó cũng tự nhiên và có nhiều thú vị riêng của nó, thí dụ nói xấu và vu oan là một cách giồng cây đức của nhiều nhà làm báo chân chính chẳng hạn, cho nên khi người ta mặc áo rách và mang trên mặt tất cả những nét lo âu của sự túng bấn thì tôi chỉ còn kịp so vai một cái để lẩm bẩm rằng: "Lại tống tiền là cùng đây chứ gì!" y như một tay nhà giàu đã thấy phiền và chán nản ở cái sự cứ phải bỏ tiền ra thi ân...
Nhưng, bạn đọc đại lượng ơi, hãy khoan một chút, để tôi được thuật ra đây ít ra một vài điều gì nó tỏ cái thân tình của chúng tôi ngày trước đã.
*
* *
Người chồng là một thiếu niên đồng tuế với tôi. Địa vị trong xã hội thì thường thường bực trung, vì là một thư ký nhà buôn lương tháng độ bốn chục. Lối đánh giá con người vào thời buổi bây giờ chỉ là lục lọi đến số tiền lương tháng nhiều hay ít, chứ có phải kể đến học thức, nhân phẩm gì đâu! Nhưng nếu phải giới thiệu ông láng giềng của tôi kỹ hơn nữa, thì tôi xin nói đó là một người học thức trung lưu, đạo đức trung lưu, tài sản trung lưu; nghĩa là, nói tóm lại, là một người chẳng đủ làm cho ai sợ nhưng cũng chẳng để cho ai khinh được.
Còn người vợ, thì rất xứng đôi với chồng: nhan sắc bình thường, nhân phẩm trung đẳng, còn học thức thì, theo như công lệ, cố nhiên là không có chút nào rồi.
Cặp vợ chồng ấy rất tương đắc với vợ chồng chúng tôi. Tình lân lý của đôi bên cứ theo thời gian mà càng ngày càng thêm bền chặt bằng cách biếu xén nhau mọi của ngon vật lạ, mời mọc, thết đãi nhau luôn luôn, và cả hai bên đều lấy thế làm thỏa mãn, dẫu rằng sau khi tôi thấy vợ tôi được nhận một thứ thực phẩm đầu mùa hoặc hóa vật kỷ niệm gì, thì tôi lại giật mình đánh thót một cái, băn khoăn kiếm cách đền lại. Và khi được trả lại, tôi cũng chỉ thấy họ tươi cười cảm ơn mà nhận, ra vẻ sung sướng một cách rất thành thực, thế thôi. Thật vậy, những trò giả dối ấy, chúng tôi vui lòng tự mình lừa dối mình để coi nó là những hành vi chân thật. Không bao giờ chúng tôi lại chịu thú nhận rằng thế là đã làm khổ nhau, và chỉ có thể tử tế được bằng cách cứ làm khổ nhau mãi mãi mà thôi. Điều chẳng cần nói ra đây, là sau những cử chỉ rất anh hùng ấy, thì cả hai bên đều mắc nợ, vì lương tháng hai bên cố nhiên không đánh thăng bằng được cột thu và cột chi.
Do những lẽ ấy, trước còn xưng hô nhau: thưa ông, thưa bà. Rồi, sau một thời kỳ "bác bác tôi tôi" đến cách gọi nhau là anh chị, như ruột thịt chân tay. Cuối cùng, hai thằng nam nhi chúng tôi lại thân mật đến "mày tao" với nhau nữa, những khi không có mặt hai người đàn bà. Ký Bích - tên người bạn - với tôi tưởng chừng đã có thể từ đó sẽ sống chết có nhau.
Tôi còn nhớ rõ như mới hôm qua, một lần phát tài, vợ chồng ký Bích mời vợ chồng chúng tôi đi lễ chùa Hương mà anh thì có bộ Âu phục màu gỗ hồng rất đúng mốt, mà chị thì nhờ cái áo nhung đỏ mới may, tự nhiên xinh đẹp khác thường như là đột nhiên biến thành cô tiên, tuy đó có thể chỉ là một tiên nga trung lưu. Chúng tôi đã đủ sung sướng, hả hê vì thấy được quý hoá, để hai tháng sau phải lo méo mặt thết lại bạn thân ba ngày nghỉ mát Sầm Sơn rồi mới ăn ngon, ngủ yên được.
Nhưng mà... cảm động và đáng nhớ hơn nữa, là thái độ của anh và chị Bích đối với con tôi, đứa con gái đầu lòng. Chị Bích thường chểnh mảng cả việc bếp nước để lên giúp vợ tôi, hoặc kiên tâm ngồi ẵm con tôi như một người vú em có lương. Khi con tôi đến lúc biết hóng chuyện, những khi đi làm việc, anh Bích đã nhiều phen để nguội cả cơm canh vì mải lên "yêu cháu một lát". Bao giờ tôi lại quên được những lời thông thường rất thi vị mà anh "nói ngọng" sau khi quệt ngón tay trỏ vào má con bé, đại khái những:
- Cháu gái tôi, ồ là, tôi "êu" nó lắm cơ! à, cháu tôi cười rồi! Bác "êu" cái má bánh "đúng" này này! Bác "êu" cái miệng bé bé này này! Bác "êu" cái cằm quả táo này này! Bé ơi, bé êu êu quí quí của bác ơi!... A hà cười! Thích quá, thích quá!
Rồi anh ký Bích hôn hít con bé mãi không thôi, làm nó cứ cười toe toét, và làm cho tôi cảm thấy cả cái hạnh phúc của một thằng đã là "bố trẻ con" mà con gái lại trông hay hay, mẫm mụi, nghĩa là tóm lại theo một câu nói riêng thì là "trông cứ như con chó Cún".
Những lúc như thế, tôi đã rõ rằng tình bằng hữu, tình lân lý của con người ở đời, dẫu sao, cũng chẳng phải chỉ là những danh từ điêu trá của văn chương đâu!
*
* *
Thế rồi, ngày hôm ấy...
Giữa lúc tôi đương đứng cạo râu trước gương, sắp sửa để đến chỗ hẹn với một người bạn ở tỉnh xa về chơi mà tôi có bổn phận tiếp đãi thật long trọng, thì chị Bích bước vào nhà. Vợ tôi lúc ấy lại đi đâu vắng...
Chị Bích làm cho tôi giật mình... Thật là bất ngờ quá đỗi! Cái áo the nâu của chị, vừa rách lại vừa bạc, trông mới thảm hại làm sao! Đôi guốc mòn gót, quai cao su lốp ôtô lộn ngược mà chị kéo lê sền sệt, cả gót chân thừa ra ngoài, trông mới khổ sở làm sao! Thật là khác hẳn bà ký Bích ngày xưa, bao giờ ra phố cũng áo lụa hoặc áo nhung rất lịch sự.
Tôi ngạc nhiên đến nỗi cứ ngẩn mặt ra, quên cả cạo râu, quên cả mời khách ngồi. Tưởng bị tôi khinh, chị ta sau khi hỏi rằng vợ tôi có nhà không, cũng đứng đấy, mặt cúi xuống để lúng túng, để bẽn lẽn và có lẽ để khổ sở nữa. Tôi bèn đẩy ghế mời chị ta ngồi, và không gọi pha nước mới, tôi chỉ rót ra đấy một chén nước chè cũ pha đã hai lần. Tôi bực mình cũng như bao nhiêu người đương lúc vội ra đi mà bị có khách đến ám. Rồi tôi cứ tự do cạo râu trước gương, sau khi hỏi qua loa một câu vô duyên:
- Thế nào, dạo này hai bác có phát tài không?
Thấy chị Bích hổ thẹn đáp cũng vô lý như câu hỏi:
- Không dám ạ, cảm ơn bác.
Đến lúc ấy tôi mới nhớ ra không biết ai đã nói với tôi rằng vợ chồng ký Bích, từ khi không còn ở chung với tôi, đã lâm vào cảnh khổ sở, và đã có hai con... Chồng thì đương làm ăn yên lành bỗng bị sở loại, vợ thì cứ ốm luôn, hai đứa con cũng lại hay sài... Nghe đồn hình như bây giờ cái gia đình ấy đem nhau ra nheo nhóc ở một gian nhà lá ngoài bãi Phúc Xá, và anh ký Bích bây giờ phải bán bánh tây cà phê ban đêm, và chỉ ban đêm thôi: Anh hổ thẹn, sợ cắp thúng và xách lò đi ban ngày gặp bạn hữu, họ mạc... Phải, phải chính thế, tôi nhớ ra rồi! Người đã thuật chuyện ấy là bạn của cả Bích, lẫn tôi. Và nói thế là để thương hại chứ không phải để nói xấu...
Nhớ lại như thế, tôi bỗng lại giật mình. Tôi tự nhủ: "Liệu hồn! Lại bị tống tiền rồi đây!" Rồi tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi quá, nhất là không biết đến bao giờ mới để tôi ra đi cho thoát.
Khổ thật! Râu cạo mãi cố nhiên cũng phải đến lúc hết nhẵn, tôi đành cất dao đi, và quay lại, ngồi xuống ghế đối diện chị ta. Và chẳng nhẽ lại không nói gì, tôi đành mở mồm:
- Mời bác xơi tạm chén nước.
- Dạ, vâng.
Đáp xong, chị Bích uống chén nước một hơi, y như một người đương đói lắm. Chẳng phải là một kẻ vô lương tâm hoàn toàn, tôi bỗng thấy hổ thẹn về cái lãnh đạm của tôi. Và thay đổi thái độ:
- Thế ít lâu nay hai bác làm ăn ra sao? Tôi chẳng biết nhà đâu mà đến chơi! Mà hai bác cũng không năng đến chơi với chúng tôi, thì tôi còn biết gì được!
Mắt chị ta bỗng quắc lên vì sung sướng và hy vọng. Than ôi, con người ta khi đã lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn! Cái hạnh phúc của chị ta, lúc ấy nó có được chỉ vì thấy tôi nói một câu giả dối ra vẻ săn sóc, là chẳng kém một cung phi đã già đời nằm dài trong lãnh cung mà một hôm được thấy cái xe dê của vị quân vương. Đối với chị ta, lúc ấy tôi là một vị thiên phúc chi tinh vậy! Bây giờ chị mới đủ can đảm ngập ngừng kể lể:
- Thưa bác, một hôm em gặp bác gái ở Đồng Xuân, nói rõ phố và số nhà rồi hẹn lại chơi, cho nên hôm nay em mới dám đến đây... Thưa bác, từ dạo ấy thì nhà em mất việc vì sở loại bớt người... Từ đấy tìm mãi việc làm không được. Em thì cứ hay ốm yếu luôn, lại đẻ được hai cháu, mà hai cháu cũng cứ sài đẹn luôn luôn... Hiện giờ thì túng kiết khổ sở lắm. Xưa kia, ở chung với bác, được trăm phần thì nay không được lấy một phần... Chẳng dám nhìn mặt ai nữa, chẳng dám tìm đến ai nữa. Nếu bác gái không bảo lại đây thì em cũng không dám đường đột lại đây thế này đâu. .. Dạ bẩm thế bao giờ bác gái mới về ạ?
Tôi đáp cho phải phép:
- Đến chiều nhà tôi mới về... Chết nỗi, thế mà tôi không biết rằng hai bác vận hạn nhiều thế.
Chị Bích giương to đôi mắt đăm đăm nhìn mãi tôi. Có lẽ đương cầu Trời cho tôi bảo cứ ngồi đấy mà đợi vợ tôi vì thấy tôi thắng bộ vào như thế, chị rất hiểu là tôi sắp ra đi có việc.
Còn tôi, lúc ấy, thì tôi nghĩ gì?
Tôi có nhớ đến cái tình chung chạ nặng hơn hàng xóm láng giềng của chúng tôi khi xưa không? ừ, cái thân tình gần như ruột thịt những ngày vui cũ, tôi có còn nghĩ gì đến hay không?
Tuy cũng có đấy, nhưng nhớ để rồi quên ngay. Vì tôi còn bận tâm lo bạn tôi đương vì đợi tôi mà sốt ruột, bận tâm giận vợ tôi sao lại hẹn nguy hiểm thế, và nhất là bận tâm vì áy náy không biết khu xử ra sao... Tiền! Than ôi, lại chỉ những chuyện tiền!
Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chịu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào.
Nhưng mà vợ tôi đã gọi người ấy đến; rõ mới tội nợ!
Thì... không mất tiền không xong! Tôi đành hỏi ngay:
- Bác cần tiêu bao nhiêu?
Cố nhiên là chị Bích nghĩ mãi mới đáp:
- Nếu được bác giúp cho độ ba đồng bạc thì cháu bé cũng sống mà vợ chồng tôi cũng đỡ phải lo trong một tháng.
Lúc ấy, túi tôi có thừa năm đồng. Nhưng mà, như trên đã nói, tôi còn phải thết đãi người bạn. Ngay bây giờ, chúng tôi rất cần đi ăn, đi chơi! Nếu không, tôi sẽ chẳng ra giống người, vì ông bạn tỉnh xa của tôi đã đối với tôi chu đáo, ân cần lắm! Thế rồi đáng lẽ đưa ra cho chị Bích vay hai đồng thì, không hiểu sao tôi chỉ đưa ra có một đồng. Và tôi bỗng nói khác hẳn như đã muốn:
- Thôi đây này, có đồng bạc cho cháu ăn quà, bác cầm lấy... Chúng tôi tuy vậy dạo này cũng túng, chẳng có gì đâu... Đây là tôi cho cháu nhé, chứ không phải chuyện nợ nần gì cả.
Tôi đã dùng cái lối rất cổ điển: cho hẳn, để mà "rào đường". Vì tôi sợ nhất cái chuyện sẽ bị quấy nhiễu về sau! Vì cho thì một đồng đã là to: còn cho vay thì lại là ít quá, không được tử tế như cho hẳn.
Chị Bích cầm tiền, cảm ơn, bẽn lẽn ra về.
Chị hài lòng chưa? Đủ sướng rồi hay còn cho là ít? Tôi cũng không biết.
Chỉ biết hôm ấy, tôi đã tự đắc như một nhà từ thiện, vì lẽ cố nhiên tôi coi đồng bạc ấy của tôi là rất to!
Quả như vậy, từ đấy trở đi, không bao giờ chị Bích còn dám bén mảng đến cửa nhà tôi nữa. Tôi đã rất thành công trong cái sự rào đường một người bạn nghèo. Rồi thì, chẳng cần phải lâu ngày, chuyện ấy cũng chóng bị quên đi... Nhưng về phần chị Bích thì không. Chưa có nghìn vàng dễ thường không bao giờ chị ta dám nghĩ đến sự đền ơn bát cơm Siếu mẫu, dẫu rằng người thi ơn kia, quả thật đã chẳng có cái từ tâm của Siếu mẫu.
Vài tháng sau đó...
Bữa ấy nhằm một buổi sáng chủ nhật, tôi cùng mấy người bạn đã lên một toa xe điện chạy từ Bạch Mai về Bờ Hồ. Khi đến chợ Hôm, chợt thấy chị Bích ẵm con, bước lên. Đêm trước chúng tôi vừa mới thực hành cái truỵ lạc chủ nghĩa. Vừa đem thi thố mấy ngón tài hoa, như nốc rượu, hút thuốc phiện, đùa gái, văng tục, và nói xấu những người bạn thân vô phúc đêm ấy không có mặt tại một tổ quỷ nào đó ở xóm Vạn Thái, cho nên sáng hôm nay, mặt chúng tôi đều bơ phờ, hốc hác, thiên hạ cứ thoáng nhìn cũng đủ rõ là bọn này đã từ cái chốn ác hại nào mà chui ra... Lại thêm lúc chi tiền, chúng tôi đã bị một ả đào lè nhè xin thêm mãi, cho nên lúc ấy tôi đương bực mình cực điểm, thấy rằng cuộc đời đã bị đầu độc, mà chưa biết bao giờ mới có một cuộc vui nào khác nữa đến tẩy độc cho... Âu cũng là nhằm ngày đen đủi của chị Bích vậy.
Trông thấy chị lên xe, tôi lại giật mình, nhưng không thể lánh mặt được, tôi đành ngả mũ chào chị, và cố nhiên cái vẻ mặt lúc ấy là phải lãnh đạm. Cái áo the nâu của chị lại rách hơn trước một chút nữa. Và bây giờ thì chân chị - hai bàn chân xưa kia xinh và trắng - xéo lấm, vì chắc đôi guốc đã không còn dùng được rồi. Còn đứa con chị ẵm trong tay thì xanh xao, gầy quá, đầu thì lấm tấm có mụn trốc, cặp môi thì đã thâm như của một dân bẹp tai! Lúc chị Bích sắp nâng một bên vạt áo lên để giới thiệu con, tôi bỗng có cái cảm tưởng lạ lùng y như người ta lúc sắp được thấy, trong cuốn sách phóng sự, bao nhiêu điều xấu xa bí mật sắp bị phơi ra dưới ánh sáng vậy. Thật thế, không gì thất vọng bằng một cái mặt trẻ con mà lại không đủ cái hay, cái kháu, để mời chào ta một cái hôn... Tuy vậy, tôi cũng nhớ ngay đến thời xưa, khi con gái tôi mới đẻ, nó đã được chị Bích quý hóa như thế nào. Và tôi đã hỏi mấy câu qua loa về đứa bé, để rồi ngắt chuyện, xin diêm thuốc các bạn hữu cùng ngồi quanh đấy, ý muốn cho chị Bích mau lấy áo đậy con lại.
Xe điện chạy chậm quá thật! Mười cây số mỗi giờ, giữa một tỉnh to như Hà Thành! Thật là một cái hổ thẹn của văn minh! Vì rằng, than ôi! Tuy tôi đã im lặng lờ hẳn đi, nhưng chị Bích đã bắt đầu kể lể!... Chị nói rõ về cảnh nheo nhóc, mọi điều tai biến, mọi sự đói khát, đau khổ, mà cái số phận ác hại đã hành hạ gia đình nhà chị từ bấy đến nay... Tôi thở dài. Tuy chị không kết luận bằng cách xin giúp đỡ, nhưng tôi cũng đủ thông minh để hiểu lắm.
Lúc bấy giờ thì tôi phẫn uất đến cực điểm. Tôi cho tôi như một con giun, ai xéo lắm ắt tôi cũng biết quằn! Đi hát, lúc chi tiền bị kè nhè là đồ keo, lúc về giữa đường lại bị có kẻ muốn tống tiền, tôi tưởng như vậy thì từ tâm đến bằng Đức Phật Tổ cũng phải cáu, dẫu rằng Phật Tổ không đời nào đi hát... Đáng lẽ có thể bảo chị Bích là không biết điều, ở chỗ "cứ thấy bở thì đào" như một kẻ bất nhã nào khác, tôi chỉ muốn nhắc cho chị đừng quên cái đồng bạc trước của tôi. Chẳng nghĩ xa xôi, tôi hỏi thẳng:
- Từ lần ấy, bác có gặp nhà tôi nữa không?
Vô tình chị đáp ngay:
- Dạ, có gặp một lần ạ.
- Bác không nói gì cho nhà tôi biết về cái đồng bạc tôi giúp bác đấy chứ?
Chị Bích ngơ ngác nhìn tôi mãi như ngạc nhiên vì sợ tôi lại nỡ ngờ cái lòng thực thà hoặc biết nhận ơn của chị. Rồi chị tức khắc đáp:
- Dạ, có đấy ạ. Tôi có nói ngay rằng đã được bác cho vay một đồng.
Tôi sung sướng lắm, và cau mặt hỏi nữa:
- Bác đã nói là tôi cho vay à?
Chị Bích liền gật đầu:
- Bẩm vâng.
Tôi tắc lưỡi, cau mặt hơn nữa, khẽ nói tha thiết:
- Rõ khổ quá! Thì sao bác lại không nói là tôi cho hẳn cháu? Mà tốt hơn nữa thì bác đừng nói gì, có hay không! Chẳng nói bác ắt cũng thừa biết đấy, bụng dạ đàn bà nhỏ nhen như cái lỗ kim... Thế là rồi nhà tôi nó sẽ không bao giờ quên là bác đã nợ nó cái đồng bạc ấy.
Tôi kết luận bằng cái so vai, và một cái thở rất dài.
Từ đấy, chị Bích có một nét mặt ủ rũ đặc biệt nó khiến chị ta không ngồi thẳng lên được nữa, như một con chim bị đạn. ắt đó là chị hối hận, tiếc rẻ cái lòng nhân đức ghê gớm của tôi, và phân vân lo sợ về cái "bụng dạ lỗ kim" của vợ tôi.
Đến chợ Đồng Xuân, chị ẵm con bước xuống. Trong cả thời gian ngồi cạnh nách tôi, chị ta tịnh không dám bén mảng đả động đến chuyện tiền.
*
* *
Cách đấy sáu tháng nữa, quả vậy, đúng sáu tháng.
Nhằm lúc cuối năm, vợ chồng tôi đi lên chợ Đồng Xuân mua vài giò thuỷ tiên... Đương lúi húi mặc cả trước một bàn hoa, tình cờ lúc nghển lên, chúng tôi trông thấy chị Bích đương đi từ cổng chợ ra, cách chỗ chúng tôi đứng độ mươi thước. Tức thì vợ tôi vui vẻ gọi:
- Bác Bích! Bác Bích ơi!... Bích!
Một tay bế con, một tay cắp cái rổ trong đó có vài cây dưa cải và một cái mũ thổ công đáng giá hai xu, tuy chỉ có thế thôi, chị Bích cũng quay lại một cách rất khó khăn, chỉ vì buổi chợ quá đông người. Đến khi nhìn thấy rõ chúng tôi rồi, thì...
Thì chị Bích lại vờ như không nhìn thấy nữa, ôm con và ôm rổ cúi đầu quay đi thẳng, trước còn bước chậm, sau thoăn thoắt rõ nhanh, và sau cùng, thì chạy hẳn!
Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy! Chị Bích lẩn mặt, chạy trốn, sợ bị đòi tiền.
Một đồng bạc! Chỉ vì nó, mà một người đã có cái can đảm chạy trốn một người, sau khi cả hai người, vào lúc còn như nhau, đã sống bao nhiêu năm trời chung đụng với nhau, rau cháo có nhau, yến tiệc có nhau, thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân!
*
* *
Bạn đọc ơi, viết đến dòng này, tôi lại thấy cả tấm lòng khốn khổ và khốn nạn của tôi nôn nao lên... Chính thế đó, vì trước bàn giấy của tôi có một cái gương Psyché, và khi tôi chợt ngưng bút để nhìn cái hình thù và cái người ngợm của tôi trong gương, thì tôi buồn nôn, thì tôi ghê tởm cả cho chính tôi, vì rằng, trừ một bọn nịnh sằng vẫn gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì, trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là "một người tử tế".
Tôi hối hận lắm, tôi khổ sở lắm, vì rằng từ đấy, không bao giờ chúng tôi còn dịp nào gặp vợ chồng Bích đâu nữa, và nhất là vì giữa cái hôm chị ta chạy trốn vợ chồng chúng tôi ấy, thì lại nhằm vào một bữa hãn hữu mà vợ tôi đã nói: "Rõ tội nghiệp chị Bích quá nhỉ? Cậu ạ, em chỉ định tâm hễ gặp chị ấy thì thế nào cũng giúp thêm chị ấy vài đồng, nhất là vào dịp Tết này".
Nhưng mà từ bấy đến nay, thời gian đã đem đến cho lòng người cái gì là cái quên. Sự gì thì rồi ta cũng có ngày quên đi, cho dẫu là ái ân, cho dẫu là đau thương, cho dẫu là hối hận.
Bởi cái cớ ấy, cho nên tuy lương tâm tôi đã mang nặng một vết thương tình cảm để đôi khi bứt rứt hàng giờ, mà từ đó, tôi cũng chẳng làm nổi một việc thiện nào thiện hơn cái việc ác này, tuy rằng nếu cố gắng tinh thần thêm chút nữa, tôi chẳng thiếu gì những dịp để thực hiện rất nhiều cái đức ái nhân như kỷ mà tôi có thể có được, hơn ai...
Vì sao? Vì khi ta có tiền thì ta chẳng nghĩ đến cái nhân, và khi phải nghĩ đến cái nhân, thì ta lại chẳng có tiền. Cho nên sự đời chung qui chỉ là những vòng chạy trong đèn cù, luẩn quẩn, loanh quanh, vì ta không thể nào khác được, nếu không cứ việc sống thản nhiên để mà tầm thường và khốn nạn.
Tạp chí Tao Đàn,
Số 2, ngày 16.3.1939