Giấc mộng Từ Lâm

Nhất Linh

Tôi vừa ở Sở về, nghĩ đến thân mình lầm than mà buồn tình thế sự. Hai buổi đi về công việc càng làm càng thấy chán nản, đời mình thật là lạt lẽo vô cùng, lắm lúc muốn ẩn thân một nơi thôn dã, đối với đời không có tiếng tăm gì là đủ; nhà giầu, có công việc làm đây không chút gì bổ ích cho ai, ra luồn vào cúi mà vẫn không sao rút ra được. 

Đương băn khoăn thời thấy một người đi vào trông hơi quen quen, đứng dậy nhìn kỹ thời té ra anh Trần Lưu, trước cùng học với tôi trường Luật. Năm nọ ăn mặc tây, bây giờ trông lạ hẳn đi: mình mặc cái áo the thâm, đầu đội nón dứa, tay xách cái khăn gói to như người ở phương xa đến, thấy tôi thì tươi cười mà cúi chào, chứ không bắt tay nhau như trước nữa.

Xưa nay tôi vẫn phục anh Trần Lưu là người trí: anh Lưu học cùng với tôi trong trường Luật, đến năm thứ hai, thời bỏ vì hai thân anh qua đời cả. Hôm về quê, anh có than vãn với tôi, không biết cuộc đời của anh sau này sẽ xoay ra làm sao:

- Tôi bây giờ một thân một bóng, về quê là để thăm chút phần mộ của hai thân tôi, rồi sau đây non nước bốn phương biết đâu là quê hương xứ sở, anh dẫu có nhớ đến tôi cũng không biết đâu mà tìm tôi nữa. Tôi định bây giờ đi khắp các vùng nhà quê, lẫn vào đám làm ăn, vừa để học vừa để dạy cho họ và xem xét dân tình, ăn mặc thời quần nâu áo nâu đi đất, đánh cái nón rách vừa đi vừa kiếm ăn, anh nghĩ sao?

Tôi khuyên anh cứ chịu khó, tuy đi như thế chưa chắc ăn thua gì song có ngày sẽ nẩy ra một cái ý kiến hay, nói xong anh từ biệt. Thế là từ độ ấy tôi không thấy tin tức anh đâu cả. Năm sau tôi được bổ tham biện phủ thống sứ mà cũng không lần nào gặp anh nữa.

Hôm nay tình cờ anh đến, vui mừng quá, thấy anh ăn mặc thế cũng không lấy làm lạ, nhận ra ngay. Anh Trần vào, vừa cười vừa bảo tôi rằng: 

- Anh còn nhớ tôi ư, tôi ăn mặc thế này, thật khác xưa lắm nhỉ?

Tôi bảo pha nước uống và hỏi chuyện: 

- Tôi ở đây đi làm hai buổi buồn quá, thấy anh đến mà mừng, muốn hỏi anh trong hai năm nay anh ra làm sao và anh kể cho ít câu chuyện có cái hương vị nhà quê thời thích quá.

Bạn tôi nói đã lâu mới lên Hà Nội, muốn đi xem cảnh tượng và quan sát, mua sách vở, tối về thư thả sẽ nói.

Đêm ấy trăng cao mà sáng, chúng tôi bắc cái chõng ra nằm ngoài sân. Bạn tôi nói: 

- Trước khi tôi nói cho anh biết những công việc của tôi trong hai năm nay, tôi hãy xin anh đừng vội trách tôi, mà tôi cũng không có gì đáng trách. Anh cũng biết cái thảnh thơi trong lòng là ít người có, và nếu bao giờ cũng giữ được thảnh thơi, thời cứ như thế đời người ta sống cũng đã dễ chịu và chính đính lắm rồi. Anh đừng cho tôi là một người có tài cán làm những việc ích quốc lợi dân, tôi không dám mong thế, có khi tôi muốn làm mà không làm được, tôi chỉ như một người thường khác mà thôi. Thân tôi không phải chỉ có hiện tại thôi đâu, tôi chính là ý muốn của ông cha tôi từ mấy đời trước mà trong óc tôi còn sót lại. Tôi cứ thật thà mà ngỏ lòng tôi cho anh biết, anh thương hay anh giận, anh trách hay anh khen tôi cũng thế, mà ai bình phẩm tôi thế nào, tôi cũng không cần.

Tôi bỏ học được mấy ngày thời thu xếp về quê thăm mộ thầy đẻ tôi, hôm sau ăn mặc quần nâu áo nâu, đi thẳng. Trong một năm trời đi được gần khắp trung châu, mới đầu về Hải Dương, xuống Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, vòng lên Hà Đông, Bắc Ninh, có khi một mình khăn gói lang thang, có khi đi lẫn vào bọn thợ, cũng làm lụng như họ, vất vả khổ sở quá, nói ra không thể nào tin được.

Có khi ngủ ở giữa cánh đồng, có khi ốm mà không ai chăm nom, song cái đó không làm tôi ngã chí. Tôi học cũng được nhiều và kiếm ăn cũng đủ tiêu dùng, tuy mồ hôi nước mắt mà thảnh thơi không lụy ai. Thỉnh thoảng thấy cảnh đẹp, trời chiều man mác, điếm cỏ cầu sương mà tự nhiên bật miệng ngâm lên câu thơ chữ tây, lại vội vàng nhìn quanh xem có ai nghe thấy không? Về sau phải tập luyện cho quen, bây giờ thật là An Nam rồi. Còn về phần dạy cho người khác thời tôi ngỡ không biết có bổ ích gì không, mà bổ ích thế nào được. Tôi cứ ngờ như thế mãi, thành ra ý tưởng tôi đổi khác đi mà tôi không biết, cái tính tình vốn nặng hơn lý lẽ nhiều, vùng nào phong cảnh tiêu điều, thời tôi hay lánh đi, chỉ tìm những nơi nào có đồi, có sông, dân phong thuần hậu thời hay lẩn quất ở lại lâu.

Bây giờ đã đến cái thời kỳ tôi hơi ra ngoài đời mà đến gần cảnh vật rồi đó, tôi mới biết rằng tôi chưa từng yêu gì hơn yêu cảnh thiên nhiên, lắm khi có thể lấy đấy làm cái vui ở đời, khuây khỏa được lắm nỗi đắng cay sầu thảm: có khi tôi ngắm cảnh mà quên cả mọi nỗi gian truân, quên cả thế sự, tưởng có thể bỏ cả vinh hoa phú quí để được hưởng một cái thú cỏn con với cây cỏ. ánh sáng hơi thu, gió lạnh, những lúc mùa nọ thay sang mùa kia thường đem cho tôi lắm cái cảm giác êm đềm man mác, tôi là người khác rồi, cái nguyên nhân ấy muốn tách bạch ra thời phải người nào giỏi về tâm lý học lắm mới làm nổi.

Tôi đương mang tấm lòng như thế, thời đến một nơi gọi là Từ Lâm; xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt, sắc núi màu lam, buổi sáng buổi chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một cái làng nhỏ ở chân đồi, vẻ đặc sắc nhất là tỉnh, có con sông con, sắc nước trong xanh chảy từ từ trong lòng cát trắng. Mảnh đất đó, đối với tôi là khách qua chơi một ngày, sao có liên cảm sâu xa như thế? Tuy không phải là nơi danh thắng, non không cao, nước không sâu,nhưng có vẻ đậm đà, điều độ, ân ái, dễ xiêu người. Tôi không uý phục, tôi không say đắm, nhưng tôi dễ nhận, dễ yêu như một nơi quê hương xứ sở vậy, lòng tôi lúc đó bâng khuâng, không nỡ rời đi nơi khác, định chỉ kiếm việc gì ở đấy để lưu liên lại ít lâu.

Tôi muốn vứt hết những ý nghĩ băn khoăn phiền phức của đời quá ư văn minh này, cố giữ trong lòng được thảnh thơi mà yên thân ở đấy. Cái lòng tôi yêu cảnh thiên nhiên thật đã tới đến cực điểm. 

Tôi để ý đến dân tình thời thấy phong tục rất hay, rất thanh tú, đúng với óc tôi mơ tưởng bấy lâu. Tôi có xem xét cho kỹ lưỡng thời thấy mình biết thêm được nhiều điều đáng cho vào quyển sách sau này. Nhưng tôi lại tự hỏi: thời phong tục làng ấy hay, nhưng hay ở thời này để làm gì mới được chứ? Có phải chỉ là để so sánh và lấy tiếng khen của người đời sau đâu? Điều đó tôi chưa giải quyết, chỉ riêng phần tôi bấy lâu chịu nỗi phất phơ, đến chốn đó có cái khí vị thanh nhàn, đời người đáng sống, đáng tôn trọng lắm. Nhưng họ có biết thế không? Nếu họ không biết thời cái mục đích của tôi đỏ đen hết cả. Đến lúc tôi tìm thấy là lúc tôi lại muốn phá đi. Tôi thành ra hoài nghi, nhưng tự an ủi mình rằng: đời ta đáng sống, ta vui lòng mà sống là nhờ có một cái tuyệt đích, là tu trường là hay, cố công đeo đuổi cho suốt đời. Sự run rủi đã đưa ta đến chốn này, thời ta cứ tĩnh tâm xem xét phong tục rồi làm thành sách mà giúp đời. 

Ta cứ yên tâm mà theo cái đường ta muốn đi, thời đời ta mới có nghĩa lý đôi chút, ta tin ở đấy thời ta sống mới có phần đầy đặn hơn. 

Một hôm tôi ở dưới làng lên đồi chơi, đường đi men sườn đồi, thấy có cái vườn dâu cành lơ thơ như bức mành hồng lấm tấm lá xanh. Giữa vườn có nóc nhà lá; theo cái ngõ con đi vào thời thấy sáng sủa phong quang như nhà một người ẩn sĩ.

Hôm ấy về mùa đông mà trời nắng, gió thổi lá dâu phất phới, lòng tôi nhẹ nhàng, vui vẻ làm sao! Cái vui như chan chứa trong tâm can tưởng không bao giờ có thể hết vui được nữa. 

Vừa vào đến sân thời tôi đứng ngẩn người ra: một cô con gái trạc độ mười sáu, mười bảy đương ngồi quay tơ ngoài hiên, thấy tôi vào đưa mắt trông lên. Tôi chưa từng thấy người nào đẹp đến thế, bâng khuâng như mình lạc vào cảnh tiên. Nàng thấy tôi vào, không biết tại sao đứng dậy, tấm áo dịu dàng, mắt hoa ngơ ngẩn mà nhìn tôi: nàng nhìn tôi rồi lại nhìn quần áo, tôi mới sực nhớ ra mình ăn mặc như người thợ, cái tinh hoa ẩn vào trong sao lại cảm được nàng, làm sao nàng nhìn tôi mà lại hình như biết là tôi được. Tôi lấy làm ngượng, cái cử chỉ không được thật, như tỏ ra mình là người thế nào mà nàng đã biết hết. Nàng đột nhiên hỏi:

- Cậu vào đây muốn hỏi ai?

Tôi làm ra bộ ngơ ngẩn mà nói:

- Thưa cô, tôi làm ở trên đồi, xuống nhờ cô bát nước mưa uống đỡ khát. 

Nàng nhìn tôi một lúc lâu, hai con mắt trông như ngạc nhiên muốn hỏi, rồi nói: 

- Trời này uống nước mưa thời lạnh chết, để tôi vào xem có nước chè nóng, thời tôi cho một bát. 

Tôi uống xong ngần ngừ không muốn đi ra, thấy nàng lại sắp ngồi vào quay tơ, liền nói: 

- Cô cứ quay tơ đi cho tôi đứng xem học lấy cách thức thế nào. 

- Mỗi người một việc, cái bác này người lạ quá, uống nước xong thời lên đồi mà làm việc lại còn ngần ngừ đứng lại, quay tơ thời có gì lạ mà xem.

Nàng nói thế là có ý đuổi, tôi cứ mê mẩn không đi. Nàng thấy tôi kỳ khôi lên tiếng gọi người nhà:

- Thầy ơi, có người thợ lôi thôi quá người ta muốn hỏi thầy đấy.

Nhà trên một ông cụ đi ra trạc ngoại năm mươi tuổi, râu đã lấm tấm bạc, vừa đi vừa nói:

- À, có phải bác phó Nghi đó không? Sao lên chậm thế? 

Nàng nhìn lại tôi, thấy tôi vẫn đứng ngậm ngùi với cái guồng tơ lấy làm lạ, liền nói:

- Thưa thầy cái người nào ấy, không phải bác phó Nghi đâu. 

Ông cụ đến thì tôi vái chào, ông cụ không trả lời, mắt đăm đăm vào tôi như nhìn một vật gì lạ, rồi bỗng như nhớ ra, giơ hai tay lên mà nói: 

-... Ông giáo Lưu. 

Lúc bấy giờ cô bé đến gần cũng giương hai con mắt mà nhìn tôi, rồi lại nhìn ông cụ, con tơ nàng cầm ở tay rời ra rơi xuống đất. 

Tôi thốt nhiên nghĩ đến tứ cố vô thân, người trong nước như thờ ơ lạnh nhạt, bấy lâu gian truân khổ sở mà không ích lợi cho ai, nên không thiết gì nữa, muốn ghen với nghìn người khác được sung sướng hơn mình, liền ngả nón mà nói một câu, một câu ấy mà cuộc đời tôi xoay hẳn đi; bấy lâu vì xã hội, vì danh giá làm cho mình không phải là mình, nay đến trước cảnh thiên nhiên bao nhiêu cái phụ thuộc xưa kia tô tạo nên tôi không có nữa.

- Vâng, thưa cụ chính tôi đây. 

Rồi kể lại từ lúc thôi dạy học, vào trường Luật, cha mẹ qua đời, ý muốn làm những gì, tại sao lại ăn mặc thế này và tình cờ đến đây được. Cả nàng cũng ngồi nghe rồi cũng nói: 

- Thảo nào mới đầu tôi trông quen quen, hơi quen thôi.

Tôi cũng hơi mỉm cười thôi mà nói:

- Trước tôi đi dạy học ở trọ nhà cụ thời cô em còn bé. Về sau có một hôm tôi ghé vào thăm cụ, thời họ nói đã dọn cả về quê rồi.

Ông cụ nói:

- Nhà quê tôi đây, người dưới làng Từ Lâm gần hết là người trong họ tôi cả. Tôi cũng có nhà dưới làng, trên này chỉ là chỗ ở cho mát mà thôi. Bây giờ ông đã đến đây, đem lòng yêu thương phong cảnh đất này thời cứ ở đây với tôi mà làm sách. Vả ông không có ai là họ hàng nữa, thời ở đâu chả là quê hương. Dưới làng Từ Lâm có cái trường mới mở mà chưa có thầy giáo, để tôi nói cho họ biết ông là ai, rồi ông dạy học ở đấy, xem xét phong tục cho tiện. 

Anh ạ, thế là từ hôm ấy, ngày ngày hai buổi xuống đồi dạy học; dân làng Từ Lâm thật là thuần hậu, càng ở lâu càng mến mà họ cũng có ý mến tôi, học trò cũng khá đông. Những lúc tan học về, trèo lên đồi, đi qua những vườn chè đất gồ ghề, tuy vất vả mà cái vui trong lòng thật là vô cùng. Tôi hình như lúc nào cũng háo hức muốn làm hay cho người khác, ở chỗ thiên nhiên này, cái lòng tôi mới có thể nẩy nở ra được. Tự độ ấy mà tôi nghĩ ra một cái ý rất hay, chốc nữa sẽ nói anh nghe.

Tôi ở một gian đầu, nhà cũng khá rộng, sạch sẽ và sáng sủa, khi đi dạy học về lại ngồi vào bàn viết lách. Sách vở mới đầu chưa có gì, về sau tôi có tiền gửi về Hà Nội mua, bây giờ cái thư viện cũng kha khá. Cửa sổ, chỗ cái giường tôi nằm thời trông xuống dưới cánh đồng, xa xa dẫy núi mấy chòm cao, cây xanh trùm đến ngọn, làn khói như sợi tơ lên nền khơi. Dòng sông uốn quanh chẩy lại, sắc trong trong có mãi không cùng. Đồng lúa xanh kéo đến tận chân đồi, cô con gái áo nâu yếm đào lên núi lấy sơn, con ngựa rong ruổi xuống dòng uống nước. Nét bút các nhà cổ danh họa cũng tài tình mà phong phú thật; nếu muốn lấy cảnh trời đất làm vui ở đời thời cái buồng nhỏ ấy cũng là giang sơn cho mình được. Ông cụ ở nhà ngoài, còn người con gái thời có khi lên trên này, có khi xuống dưới làng với bà cụ.

Những ngày chủ nhật thứ năm, khi nào viết nhiều quá mỏi tay, nghĩ quá nóng đầu, thời tôi thường lên đồi chơi vẽ cảnh. Có khi gặp nàng đương hái chè, lần đến nói chuyện làm ăn, chuyện thật thà mà ngây ngô. Gió đưa quần áo phấp phới, trông nàng đẹp quá, không sao không cảm được. Có khi tôi đứng vẽ cả nàng nữa. Nàng quay mặt lại thấy tôi, có ý ngượng, song xem ý cũng muốn để tôi vẽ, thấy tôi đến thì chít lại khăn vuông cho ngay ngắn, buộc lại thắt lưng cho gọn gàng. Tôi vẽ xong, nàng táo bạo chạy lại nhìn vào tờ giấy rồi nói: 

- Trông giống đấy nhưng sao lại thiếu mất một tay. 

Tôi cười, nàng cũng cười, gió trên đồi thổi mạnh; từ mảnh trời sắc núi, cho đến ngọn cỏ, dáng người như hòa hợp lại với nhau, điều độ, nhịp nhàng như khúc nhạc Quân thiên. 

Dưới chân, bờ ruộng, kẻ ngang kẻ dọc trông như bàn cờ, mỗi chỗ mỗi khác, công việc đồng áng thong dong, tiếng gà gáy chó sủa văng vẳng gió đưa lên đồi làm cho chúng tôi quên bẵng mình là người thời buổi nay, ở lùi lại thời hồng hoang thái cổ. Tôi giảng cho nàng nghe về cái vẻ đẹp của trời đất, bảo nàng chỗ tôi với nàng đứng đây là chỗ trung tâm của mọi sự hòa hợp trên đời, lấy cái vẻ đẹp bàng bạc trong non sông mà chung đúc nên.

Một hôm tôi đi dạy học về thấy nàng đứng trước tờ tranh tôi vẽ nàng hôm nọ, tôi vào mà nàng không biết. Tôi nói:

- Thôi đẹp lắm rồi, ngắm mãi!

Nàng quay lại lấy làm thẹn, má đỏ hồng. Thời kỳ này là thời kỳ mà nàng đã bảo tôi để ý đến nàng, mà nàng cũng đã muốn tôi rồi đấy: lẽ ấy là lẽ thường, nàng là người con gái mới, gặp tôi còn mơ ước gì hơn nữa, mà tôi cũng định tâm lấy nàng thật. 

Một buổi chiều tôi đi một mình lên rừng chơi, lắm chỗ cỏ mọc cao đầu, cây cối rậm rạp, tôi lạc lối cứ đi mãi, gặp suối thời kéo gỗ trên rừng xuống bắc cầu mà qua. Trời đã tối vẫn lẩn quẩn không thấy đường ra. Nửa đêm mới về đến nhà, thấy nàng vẫn còn chong đèn thức mà đợi tôi, như có vẻ lo sợ, tôi hỏi thì nói là ngồi khâu nốt cái áo cho xong. Nhưng tôi cũng hiểu lòng nàng thế nào rồi, mà lòng tôi cũng có khác chi đâu. Những lúc đi dạy học về, đợi nàng dưới làng lên, trời đông sao mà quạnh hiu như không có một ai nữa, đến lúc thấy nàng qua vườn dâu, thấy nàng đi vào mặt tươi như hoa và lạnh như sương, thời lòng tôi phấp phới như bướm trên hoa. Có khi tôi theo nàng lên đồi làm lắm việc trẻ con quá, không ai nghi ngờ gì cả, đồi cao cây phủ ai biết đó là đâu.

Một hôm tôi đột nhiên sắm sửa nói với ông cụ xin đi: 

- Bấy lâu ở đây thật cảm ơn cụ quá không biết lấy gì mà đền ơn được. Bây giờ công việc tôi ở đây đã xong cả rồi, phải dời đi nơi khác. Vậy xin từ biệt cụ, mà đi phen này không biết có còn gặp được cụ nữa không. 

Nàng cũng có đấy, tôi nói xong trông lên, thấy nàng đứng đằng sau ông cụ mà nhìn tôi, làn thu ba, đắm đuối như hỏi như han như oán trách vô ngần. Tôi nói chuyện với ông cụ một lúc lâu thời không thấy nàng đứng đấy nữa. Tôi nhìn ra cửa sổ chỗ con đường đi xuống dưới làng, cũng không thấy bóng ai, lên đồi chỗ chúng tôi vẫn thường nói chuyện với nhau thời thấy nàng có đấy đương cúi mặt mà khóc nức nở. Tôi đến gần mà bảo nàng rằng: 

- Sao cô vội khóc thế, để tôi nói cho nghe đã, không thế thời bao giờ chúng ta có thể lấy nhau được, thế nào tôi cũng phải đi độ nửa năm cho ai cũng quên tôi đi, rồi sau mượn mối đến hỏi thời tránh được tiếng người ngoài. Trong nửa năm ấy tôi lại khăn gói lang thang hồ thỉ bốn phương, cô đừng tơ tưởng đến tôi nữa, nên cầu cho tôi có thể xa cô càng lâu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. 

Bấy giờ nàng mới hiểu, gạt nước mắt mà nhìn tôi như trách đã để nàng sa mấy giọt nước mắt không đâu. Trời đã lờ mờ tối, về phương xa trên mấy cái núi cao họ đốt rừng, trời đất bao la, chúng tôi cầm lấy tay nhau sung sướng quá, không thích sống gì nữa. 

Hôm sau tôi từ giã ông cụ và Từ Nương vác khăn gói ra đi. Trong một năm trời nay đây mai đó, non nước lắm khi thấy lạnh lẽo, xa lạ mà buồn tênh quá. Còn nàng thời ở lại chốn vườn xưa, con bươm bướm cái hoa đậu, lần lần tháng trọn ngày qua xinh đẹp thêm ra, không lớn lên.

Tôi đi đến đâu cũng không thấy được như chốn cũ nữa, người đời sống nhỏ nhen, đê tiện quá, không cái gì có thể làm cho mình vui lòng đôi chút. Tôi trở về Từ Lâm thời lòng đã tê tái, lúc trông thấy cái yêu quí xa xa, bao nhiêu nỗi buồn như giũ sạch, lòng thấy nhẹ nhàng hăng hái, rất tin về công việc mình làm, không có những cái ý nghĩ băn khoăn nó xô đẩy nữa. Tôi lại men sườn đồi như năm nọ, đến khi trông thấy nàng đứng trong sân mà nàng cũng trông thấy tôi thời dẫu cho long trời lở đất, chúng tôi cũng không nỡ rời nhau ra nữa. 

Ông cụ bằng lòng cho chúng tôi lấy nhau và để riêng cái nhà ấy cho hai vợ chồng ở. Tôi đi dạy học, làm sách, nàng ở nhà dệt vải, ươm tơ, ngày tháng như thoi, thời gian bát ngát, chúng tôi cũng không mong mỏi gì nữa. 

Hôm nọ cần mấy quyển sách và lâu ngày cũng nhớ anh em bạn cũ, nên mới dò lên đây đấy. Thôi bây giờ tôi đã giầu lắm rồi anh ạ, mà tôi còn muốn làm giầu nữa. Tôi làm sách mà nói thời chắc không ăn thua gì, chỉ có một cách thực hành ngay là hơn; anh chắc đã biết, không còn mong gì ở quan rồi, cũng không thể mong ai được nữa. Vậy bây giờ tôi định có nhiều tiền tậu một cái đồn điền độ mấy nghìn mẫu vừa đồi vừa ruộng; mở đồn điền không phải là cứ vụ gặt đến, nhảy ôtô lên thu thóc, thu tiền đâu, cũng không phải là chỉ nhìn cây cà phê ra quả đâu, cốt nhất là giáo hóa cho dân. Tuy không được lan rộng nhưng thấy kết quả hiển nhiên, làm cho mấy nghìn con người được sung sướng vì mình, thời chết đi tưởng cũng hả dạ lắm, đời mình không phải là không có cho ai. Tôi lại đi tìm những người nào đồng chí, phải đồng chí lắm mới được rồi thì mời về thực, hoặc ai bận bịu thời giúp cho họ thoát ly, về ở với nhau, lập thành cái làng con ở chân đồi. Nhà ở thời toàn là nhà gỗ, nhưng cao ráo sáng sủa, chung quanh có vườn rộng trồng cây có quả. Đồ đạc đơn sơ mà thật nhã, thiệt hợp với sự cần dùng, đồ mỹ thuật có ích nhưng rất quí; một vài bức cổ họa mầu dịu, một vài lọ dành để cắm hoa, bao nhiêu cái xa hoa phiền phức thời bỏ đi hết. Chung quanh nhà nuôi chim, nuôi ong cho vui. Ngoài việc làm ruộng dựng một cái nhà tằm, trồng mươi mẫu dâu, dệt vài khung cửi, để đám phụ nữ săn sóc về việc tằm tang, canh cửi để lấy lụa trong nhà dùng. Làng có một cái nhà chung để bàn việc trong đồn điền, có một cái thư viện gồm cả sách Tây, sách Nho chọn lọc kỹ. 

Người thời làm cho trong đồn điền có nhiều hoa lợi cho dân khỏi đói, người dạy về công nghệ, người thì dạy học, cốt làm cho họ biết ăn ở với nhau cho hòa hợp, biết yêu cảnh thiên nhiên, biết sống ở đời là vui, mà ở đời thường cũng chỉ có thế mà thôi, còn ngoài ra là hão cả.

Tôi tưởng tượng ra như một nơi mà người nào cũng ăn ở hòa hợp với nhau thương yêu nhau lắm, người nào cũng lấy sống ở đời làm vui, không có thiếu thốn cái gì để phải khổ sở, mà cũng không có cái gì nhiều quá để mê đắm lòng mình, cái gì cũng điều độ, nhịp nhàng như khúc âm nhạc để ca tụng ông trời kia đã cho lòng mình được trong sạch, giản dị, mà lúc nào cũng đầy những gió trăng hoa mộng. Cũng vì cái xã hội ngày nay không hợp với tôi, tôi không có thể nào theo người khác được nên mới có cái ý tưởng kỳ khôi ấy. Tôi chán hết cả. Tôi không có cái hăng hái như người khác mơ tưởng một cái văn minh mà ta vẫn thường cho là văn minh, tôi chỉ muốn trở lại thời cổ sơ, cố đạt được cái mộng các bực hiền triết ta ngày trước, có thế thôi. Tôi đã biết từ khi hãy còn trẻ rằng rồi sau thế nào tôi cũng thế này, nên từ bé cho đến khi hơn hai mươi tuổi đầu, bao nhiêu những việc tôi làm, những công gắng sức của tôi là theo thói người đời mà làm đấy thôi, chứ thật ra tôi không tiện ở đây, cho là tạm thời hết cả. Vì thế mà lúc nào tôi cũng buồn, buồn rằng cái óc như người khác mà không sao sống như người khác được. 

Tôi tưởng thế mới là văn minh; chứ biết đo hết cả vũ trụ, biết thấu hết mọi cái huyền biến vạn vật, biết hết cả mà rút lại ăn ở với nhau không nên thân, lấy cái óc mà nghĩ cách giữ lẫn nhau, thời văn minh làm gì, đưa nhau đến đâu mới được chứ? Hoán cải cái văn minh lại mà thôi.

Bạn tôi nói xong, lặng yên mà nhìn lên trăng cao tít trên trời, nét mặt thanh thản như chan chứa cái vui, tôi nhìn anh Lưu mà tôi thương hại cho tôi. Tôi nói với bạn rằng: 

- Anh là người sung sướng vì anh sớm biết theo cái chí hướng của anh, không cần thiên hạ, còn tôi ngày ngày hai buổi đi về, tôi có phải là tôi đâu, cái đời tôi thật là khốn nạn quá. Không biết sau đây, anh đạt được mục đích, có để cho tôi về nương thân ở đấy không, hay cái lòng tôi còn tục quá, còn hám tiền của, danh lợi quá, vẫn ưa những cái phiền phức, xấu xa, chưa biết yêu cảnh thiên nhiên nên không đáng là người đồng chí với anh chăng. Nếu thế thời từ nay tôi xin luyện hồn trước đi, còn về đường vật chất chắc anh làm cho tôi thoát ly ra dễ lắm. Nhưng tôi giúp gì anh được, các công việc tôi học mấy năm trời vứt đi cả, lệ luật mà tôi nhồi vào óc bấy lâu dùng ở cái xã hội nhân công tổ tạo này thời nay còn được, chứ nó sống sượng lắm nên quẳng nó đi cho nhẹ óc, trước kia tôi cũng có cái ý nghĩ như anh, nhưng còn mập mờ chưa rõ, là vì sợ người khác, sợ người khác họ chê là tại mình dốt, mình yếu nên không chen được với họ nên mới đâm ra nghĩ như thế. Vả đời sống là sống thế này rồi, ai ai cũng công nhận như thế, nay trái hẳn lại, mấy người đã có cái gan ấy!

Sáng hôm sau, bạn tôi nói xin về, tôi cũng không giữ lại. Tôi định tiễn tiền tầu thời bạn trả lại không lấy mà bảo rằng: 

- Hôm nào thư thả mời anh lên chơi với tôi cho khuây khỏa nhưng chắc anh bận lắm thì phải, chỉ ngày lễ mới đi được thôi. Mẹ cháu ở nhà năm nay tơ tốt có dệt được mấy tấm lụa đẹp, hôm nào anh lên sẽ xin tặng gọi là một chút quà ở nơi sơn trại. 

Bạn tôi về Từ Lâm, còn tôi lủi thủi vác ô vào Sở. Nghĩ mà cũng phải: ở đời sống là thế này rồi, ai cũng công nhận như thế, nay trái hẳn lại, mấy người đã có cái gan ấy.


Rút từ tập truyện ngắn Người quay tơ, 
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1927