Chiều tắt đã lâu rồi. Trời vẫn còn bức bối, ai cũng sợ mấy gian nhà tối om hâm hấp nóng. Họ ra cả ngoài sân hóng gió. Tôi nằm một mình trên mui bể, mắt nhìn đăm đăm mấy ngôi sao lấp lánh trên khoảng không gian xa thẳm. Mặt trăng lưỡi liềm, lấp ló sau mấy tầu cau đen thẫm, tỏa xuống nhân gian một thứ ánh sáng mờ mờ. Mẹ tôi quạt phành phạch lên từng hơi.
– Trời với đất? Chẳng có tí gió nào.
Em tôi vẫn vui đùa với cái tuổi ngây thơ của nó. Từ trong nhà đi ra, nó nói:
– Ở trong nhà bước ra ngoài sân, ngã đánh oạch một cái…
Nó giả vờ ngã vào lòng mẹ tôi, liến láu tiếp:
– Ôi chao? Ôi chao? Trên giời lắm sao, dưới ao lắm cá, thiên hạ lắm người, đố ai đếm được mười ông sao. Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…
Thế rồi líu lưỡi nói nhịu: sao sáng ra sang sáo, sáng sao ra sáo sang… Nó phá lên cười. Mẹ tôi âu yếm mắng:
– Thôi không đùa nữa? Mồ hôi mồ kê. Yên để quạt cho!
Nó nũng nịu:
– Không? Đẻ nói tài tài tài là. Đẻ nói cho con nghe đi… đi đẻ?
Bà cụ nhiều con gái, thong thả nói từ một đến mười, ông sao sáng với ông sáng sao bằng một giọng đều đều không vấp váp.
Em tôi vỗ tay reo hò:
– Đẻ tài quá! Đẻ tài quá!
Tiếng nó kéo dài trong không khí nặng nề của buổi tối mùa hạ. Bỗng có tiếng gọi. Nó vùng chạy ra mở cửa. Có tiếng hỏi:
– Anh Ứng có nhà không cô?
Tôi nhỏm dậy nói với ra:
– Có! Thạ đấy phải không? Vào trong này.
Thạ theo em tôi vào. Chào mẹ tôi rồi, y nhớn nhác tìm.
– Thạ! Đây kia mà!
Hắn chạy lại phía tôi:
– Ờ. Anh ở đây mà em không biết. Gớm, trời nóng quá nhỉ. Hôm nay em ngủ đây với anh nhé?
Tôi trả lời miễn cưỡng:
– Ừ, cũng được.
Dưới ánh sáng mờ mờ đêm trăng thượng tuần, tôi thấy hắn tiêu tụy quá. Quần áo xốc xếch bẩn thỉu. Cái đầu lâu không húi, tóc rù ra như tổ chim, chùm lấy khuôn mặt choắt cheo khắc khổ. Hai mắt lờ đờ thiếu ánh sáng, trái hẳn với cái mồm mỏng tang lém luốc.
Không phải tôi khinh hắn. Nhưng lúc ấy tôi thấy khó chịu và ngượng nghịu, có lẽ vì có mẹ tôi ở đấy. Không ai nói một lời. Không khí im lặng bao bọc chúng tôi một cách khó chịu. Cùng nằm với nhau, tôi thấy như xa cách với hắn lắm.
Tôi biết Thạ vào vụ hè mấy năm trước đây. Tôi hay sang trường tư của anh Thảo – bạn tôi, chơi. Thường thường, tôi vẫn dạy giúp anh mỗi khi anh nghỉ vì bệnh hen của anh cứ bất thường nổi lên.
Lần nào cũng vậy, chấm những bài luận quốc văn của Lương Danh Thạ, tôi không khỏi mỉm cười. Bất cứ tả cảnh gì hắn cũng mở bài bằng những câu: "Bình minh…" "Hoàng hôn…" hoặc "Mưa bay…", "Lá rơi…". Những câu văn học mót ở những cuốn tiểu thuyết võ hiệp ba xu. Có một hôm chấm bài hắn, tò mò giở đi mấy trang tôi chợt thấy một bài thơ chữ viết nắn nót. Tôi còn nhớ mang máng:
Sở Bình Vương ngồi yên trên mình ngựa
Đưa mắt buồn theo tới tận chân mây…
Đại khái tất cả những câu thơ hắn sửa đổi lại vài chữ. Dưới ký: Lương-Danh-Thạ dit Thái Dương Tử[1]. Thấy ngộ nghĩnh, tôi gọi hắn lên đưa bài thơ cóp nhặt kia ra hỏi:
– Bài thơ này của anh làm ra?
Hắn thẹn đỏ mặt ngập ngừng nói không ra lời. Tôi chậm rãi:
– Tôi nghe thơ anh hùng tráng và lưu loát lắm.
Hắn cúi gằm mặt xuống, tay vân vê khuy áo. Thấy mình ác quá, tôi đưa trả sách cho hắn về chỗ. Từ đấy hắn sum soe làm quen với tôi. Vì thế tôi mới biết hắn là con người cô đầu ở Mười Lăm Gian.
Không một lần nào gần tôi, hắn không khoe: "Em là con cháu cụ Lương Thế Vinh, cụ Lương Đắc Bằng, cụ Lương Quy Chính đấy anh ạ". Và hứa hẹn: "Em sẽ viết một thiên phóng sự về cô đầu. Em sẽ đem những cái 'truých' của cô đầu, quan viên, thằng nhỏ, kép đàn 'truých' nhau phơi lên mặt giấy cho anh xem. Em sẽ lấy nhan đề là: Ca công phóng sự".
Nhiều lúc tôi thấy khó chịu vì cái tính huênh hoang xốc nổi, nhưng cũng không tiện nói ra.
Thế rồi, bặt đi lâu lăm, dễ có đến hơn một năm tôi không gặp hắn đâu. Mỗi lần đi qua Mười Lăm Gian tôi vẫn thấy mẹ hắn mặt trát bự phấn, ngồi ủ rũ trước hiên chờ khách. Cho đến một chiều, như lệ thường đi rong phố, tôi gặp hắn ở trước một hiệu tạp hóa. Thấy tôi, hắn rối rít:
– Lâu lắm mới gặp anh! Lâu lắm mới gặp anh!
Hăn xúng xính trong bộ quần áo pyjama vải thâm đã bạc mâu. Tay hắn tôi thoáng thấy ánh nhẫn bạc. Cách ăn mặc và cử chỉ điệu đà của hắn làm tôi nghĩ đến anh kép hát của những ban đồng ấu thường về diễn ở đây.
Chợt nghĩ đến quần áo, tôi quay mình lại hỏi:
– Thế quần áo trước kia của Thạ đâu?…
– Em mất trộm. Nhà em mất trộm, anh ạ. Có bao nhiêu quần áo mất sạch.
Tôi hoài nghi. Vì hắn trả lời lúng túng. Vả đây với Mười Lăm Gian là bao xa mà một vụ trộm xảy ra tôi không biết? Tuy vậy, tôi cũng nói lấy lòng:
– Độ này vải cao, mất thế cũng khá tiền đấy nhỉ?
Nhưng trong thâm tâm tôi thấy bừng bực. Tôi nghiệm ra từ trước đến nay tôi hỏi hắn điều gì, hắn cũng trả lời quanh, không thật!
… Mấy ngọn cau đen thẫm in lên nền trời sáng đục. Tàu mềm lả là thế mà không hề lay động. Trời hôm nay như nín thở. Mẹ tôi quạt luôn tay. Em tôi ngủ đã lâu rồi. Tiếng võng bên hàng xóm kêu cót két.
Bỗng thấy tàu cau phe phẩy. Một cơn gió nhẹ thoảng qua. Mẹ tôi dừng tay quạt.
– Lạy giời, giời gió lên một tí…
Như họa theo lời mẹ tôi, gió dần dần thổi mạnh. Rồi ào ào trong lá cây. Thân cau lắc lư nghiêng ngả. Lá tre, lá găng không biết từ đâu bay rụng tấp tới xuống sân. Mây đen từ phía đông lừ lừ tiến lên, che khuất mặt trăng. Trời tối sẫm lại.
Mẹ tôi bế em tôi vào trong nhà. Đến thềm, bà quay ra dặn với:
– Ứng nhớ bắc máng, con nhá.
* * *
Gió lạnh đã quét sạch oi ả và nồng nực đi, để lại một khí trời mát mẻ dễ chịu. Mưa lộp bộp lia mạnh xuống mái nhà. Rồi ngừng… rồi lại mưa… Tia chớp thoáng qua vạch rõ những khe cửa. Mưa gió đã làm cho tôi bớt căng thẳng với Thạ hơn. Một luồng gió rít mạnh, thổi bật cánh cửa sổ. Khí lạnh ùa vào, tràn lên da thịt sởn gai. Một khung sáng mờ mờ hình chữ thật có giọc đen hiện ra. Bên ngoài bóng mấy tàu chuối quằn quại đập vào nhau phành phạch. Tôi vội đóng cửa sổ lại, với thêm chiếc chiếu trên sà nhà xuống đắp cho ấm. Mưa gió vẫn sầm sập. Chúng tôi vẫn chưa ai ngủ được. Tự nhiên cái gì xích Thạ nằm ai gần thêm. Hắn nói qua tiếng thở dài:
– Đời em khổ lắm, anh Ứng ạ.
Tôi biết hắn có tâm sự gì muốn nói nên im lặng.
– U em lại bước đi bước nữa!
Tiếng hắn nói ngụ một nỗi gì vừa thống khổ, vừa hờn giận. Chợt tôi cũng thở dài một tiếng khe khẽ, như nén xuống nỗi dày vò của hắn: "Lại bước đi bước nữa". Trời! thật là mỉa mai chua chát. Thì ra mẹ hắn đã đi bước nữa nhiều lần. Im lặng một lúc khá lâu, lại nghe hắn cất tiếng kể tiếp bằng một giọng đều đều não nuột:
– Em nói thật đời em. Anh đừng khinh em nhé. Anh ạ, mẹ em là cô đầu chính tông. Ông bà ngoại em sinh được bốn người con gái làm cô đầu cả bốn. Trước khi lấy thầy em, mẹ em đã tằng tịu với một ông Lục sự; đẻ được một người con trai. Được ít lâu ông Lục ấy phải đổi đi xa. Xem chừng ông ta cũng không giàu có gì. Mẹ em bỏ thẳng cánh. Thầy em lấy mẹ em về; nhà có vợ cả. Vốn là người đanh đá lại cậy thế thầy em chiều chuộng, mẹ em lấn quyền hành hạ các anh con mẹ già em khổ lắm. Đấy là thời kỳ sung sướng nhất trong đời em. Em đi học đến lớp ba thì thầy em mất. Sẵn có ít vốn riêng, mẹ em trở lại nghề cũ; mở nhà hát cô đầu. Được vài năm cảnh nhà sa sút dần. Em phải thôi học về nhà làm thằng nhỏ. Anh ạ…
Tiếng hắn bị ngắt nghẹn lại. Im lặng một lát, hắn thở dài buồn bã kể tiếp:
– Anh ạ, em không thể nào ở nhà trông thấy mẹ em bị ôm ấp trong cánh tay những người đàn ông khác. Thế rồi em trốn nhà đi, theo một ban hát đồng ấu. Ngót một năm trời, em vẫn chưa biết hát, chỉ sắm những vai quân kiếc xì xằng thôi. Rồi em bị đuổi vì đánh nhau với thằng kép chính. Không còn bám víu vào đâu mà sống được nữa, em đành phải trở về với mẹ em, làm thằng nhỏ nhà cô đầu vậy. Từ ngày thầy em mất đi, mẹ em cải giá lần này vừa đúng ba bận. Mấy lần trước, người thì có vợ cả ác nghiệt, người không đủ tiền "bao", mẹ em bỏ cả. Lần này chắc cha mẹ em yên thân lắm. Mẹ em lấy một ông phán đã có tuổi ở Bắc Kạn, giàu có lại góa vợ. Ông ta nhất định không cho mẹ em đem em theo. Vì ông kiêng không muốn rước cái nợ vào người. Anh ạ, mẹ em đi đã hơn hai tháng nay rồi. Không biết sao vẫn chưa gửi tiền về cho em. Quần áo, em phải bán đi để trả tiền ăn, chứ có phải mất trộm như em nói với anh ban chiều đâu. Nếu mẹ em không gửi tiền về, em không biết làm thế nào mà sống được.
Nói đến đấy hắn gục đầu vào ngực tôi khóc nức nở. Tôi không biết an ủi thế nào trong lúc người ta vô cùng đau khổ này. Ngoài nhà đồng hồ thong thả điểm hai tiếng. Tôi đưa tay lên nhè nhẹ vuốt tóc hắn.
Bằng một giọng rất âu yếm, tôi bảo:
– Thôi, khuya rồi, ngủ đi?
* * *
Vì công việc hàng ngày, câu chuyện thương tâm trong đêm mưa gió không còn trở lại quấy rối trong óc tôi nữa.
Mãi đến một hôm, trời nắng chang chang…
Tôi phải đi rát vào vỉa hè cho có bóng mát. Lưng tôi ướt dẫm mồ hôi. Hai mi mắt nặng nề buông xuống, sợ ánh sáng. Mùi rác rưởi, mùi cống rãnh bay tản mác khắp các ngõ, ẩm thấp, nồng nực; mùi quen thuộc của một phố nghèo. Bỗng tiếng rao kem Nhật vang lên, rướn lên. Nghe quen quen, tôi quay lại. Thì ra Thạ.
Thoáng thấy tôi, hắn đội lệch cái mũ trắng rúm ró che mặt rồi quay ngoắt vào phố khác. Độ này hắn gầy quá. Quần áo rộng lùng bùng. Sợi đã bợt nên mặc dầu vá chằng vá đụp, áo nó vẫn rách tả tơi, để hở những miếng da đen sạm vì cháy nắng. Bóng cậu học trò xinh xẻo, trắng trẻo không còn ở hắn nữa.
Tôi bùi ngùi nhìn theo. Nhớ đến mẹ hắn hiện giờ đang yên thân no ấm, bỏ mặc đứa con bé dại, trơ vơ, tôi giận và buồn vẩn vơ.
– Kem! Kem ơ!
Tiếng rao kem từ cuối xóm thoảng vọng lại…
1. Đây là câu viết theo tiếng Pháp, tuy chỉ có duy nhất từ "dit" là tiếng Pháp, nghĩa là "gọi là", "tức là" (B. T)