Cụ chánh bá mất giày

Nguyễn Công Hoan

Phải hiểu rằng cụ chánh bá có thương nhà này thế nào, cụ mới quá bộ đến xơi rượu, chứ như nhà khác, dễ mà mời nổi cụ đấy hẳn? Cụ lại không mắng cho vô số, chứ lại thèm đi à? Ấy thế mà mới chập tối, họ đã để ngay đứa nào nó xà lọn mất đôi giày mới của cụ, có chết không! Ừ thì đông người thì đông chứ, nhà có việc, nhà nào chả có nhiều kẻ ra vào! Nhưng cụ ngồi chơi tận trên nhà trên thăm thẳm, thì còn kẻ gian nào dám lẻn vào đó? Vả riêng mình cụ ngồi ở sập giữa, thì còn ai ngờ đi lẫn được giày? Chẳng qua là lỗi tại chủ nhà không biết trông nom cẩn thận người nhà người cửa, trong khi chúng hầu hạ mà thôi! Mà đứa nào lấy đôi giày ấy cũng to gan thực! Hỗn với ai thì hỗn, chứ sao được hỗn ngay của cụ chánh bá! Thực là vuốt râu hùm!

May thay cho nhà chủ, là tự nhiên lại biết ngay rằng cụ mất giày. chứ đợi đến lúc cụ ra về, hay vô phúc cụ đi giải, mà tìm giầy không thấy, thì không biết làm thế nào? Lại cũng may nữa, là cụ chưa biết rằng đôi giày mới của cụ không cánh mà bay đấy. Chứ mà cụ biết, thì chết với cụ! Xưa nay cụ chúa ghét những thói gian giảo. Ngay như đầy tớ cụ, đứa nào mà lảng vảng ra chợ, tắt mắt đồ đạc của người ta, người ta có bắt được và trình cụ, thì cụ cũng không tha. Cụ nhất định giữ lấy đồ ăn cắp, rồi sai đánh cho một trận thật.

Thế cho nên cụ chánh bá mất giày, nhà chủ sợ xanh mắt:

- Đôi giày của cụ như thế nào, hở cậu?

- Mới nguyên, kiểu gia Định, đế cờ lếp, mua những ngót ba đồng.

* * *

Độ một tháng nay, cụ chánh bá bực mình vì đôi giày của cụ nó móm quá. Anh người nhà nói rằng nó mới, kiểu gia Định, đế cờ lếp, là anh đã làm một lối văn "cổ điển" đẹp lời, chứ nếu theo giọng "tả chân" thì phải nói rằng nó xấu và cũng không có chữ để tả nữa!

Đôi giày ấy, chẳng biết cụ mua từ khải Định mấy niên, đến bây giờ, đóng lại đế là lần thứ bốn, mà nó vẫn hoàn không đế. Mũi thì nứt rạn và vá nhiều nơi. Cái cá đã đóng thêm lượt nữa, nhưng nó vẫn thủng. Lượt da thì ải và bật dây gần hết. Bọn thợ khâu giày phải trốn như chạch, vì lỡ ra không nhẹ tay mà chọc mạnh cái dùi vào, là nó toạc ra - vì tất nó toạc ra - thì oan gia.

Cho nên chiều hôm ấy, trước khi đi ăn cỗ, cụ đội khăn, mặc áo chỉnh tề, mà cụ ngắm đến đôi giày, thì cụ phát khùng lên. Cụ cầm cái giẻ, nhổ tí nước dãi, lau lại cái mũi cho đỡ mờ, nhưng cụ ngắm, cụ vẫn phải nhăn mặt.

Cụ đi đi lại lại vài lượt, ra ý nghĩ ngợi, rồi gọi anh đầy tớ thân và sai rằng:

- Đội khăn, đi hầu tao.

Anh đầy tới gẩy cái bã điếu, lau qua cái tráp, rồi đứng khoanh tay chờ lệnh. Cụ bá nhìn vào đôi giày, nghiêm sắc mặt lại, gắt:

- Mày làm tao xấu hổ về đôi giày!

Thấy khí giận ngầu ngầu trên mặt chủ, anh này gãi tai không dám trả lời.

- Tao bực lắm! làm thế nào bây giờ?

Anh đầy tớ không biết nói tiếng gì hơn là tiếng "dạ" đỡ đòn. Nhưng cụ bá lại gắt:

- Tao không thể đi đôi giày được nữa. Kệ chúng bay! Muốn làm thế nào thì làm!

Câu gắt khí lạ, các ngài nhỉ! Giá chúng mình làm nũng vợ, hay bắt nạt em gái, thì dùng câu ấy được đấy. Nhưng bắt đền người nhà thì kém "logic" lắm!

Nhưng mà cụ chánh bá tôi nói thực đấy! Đôi giày của cụ cũ và xấu, là lỗi tại đầy tớ ngu. Nay cụ bắt phải có đôi khác thay vào, thì không đứa nào được trái ý.

Anh đầy tớ lo lắm. Nếu anh bẩm cụ mua giày mới, thì khổ anh. Vì cụ cứ ừ, nhưng không đưa tiền. Nếu không có giày cho cụ, thì cụ đánh đòn về tội kiệt.

Cụ để cho anh luống cuống một lúc, rồi cụ mới dịu nét mặt, khoan thai vẫy lại gần, rỉ tai nói nhỏ. Đến câu chửi kết luận, anh ta mới tủm tỉm cười, phục ngầm thầy là mưu cao, và thấy nhẹ nhàng, đỡ lo đôi chút.

Ấy thế rồi hai thầy trò đi.

Đến nơi, nhà chủ đón chào rất trân trọng. Họ mời cụ lên nhà trên, hầu hạ kính cẩn, sợ hãi. Lại còn sợ không quen tính cụ xưa nay ra sao, nên cứ phải thì thào hỏi dò cậu người nhà từng tí. Và nhờ cậu luôn luôn đứng cạnh cụ, xem thiếu thức gì, thì cứ việc sai bảo tự nhiên.

Cụ ngồi một mình trên sập giữa, và xơi riêng một mâm rượu đầy tú ụ. Nhà chủ không dám ghép ai ngồi hầu, mà cũng chẳng ai dám ngồi hầu. Vì lỡ ra có sơ suất hay thất thố, thì thà cụ cứ mắng chửi ngay cho lại là phúc. Đằng này, cụ cứ im, rồi để bụng. Thế là mất làm ăn.

Lúc chập tối, trong khi có hai thầy trò cụ chánh bá ở nhà trên, thì cụ khẽ gật tên đầy tớ, và liếc mắt một cái. Anh này hiểu ý, ra hiên đứng nhìn, rồi đến cạnh cụ, cúi xuống nhặt... rồi thu thu vào trong bọc. rồi len lén ra ngoài ao. Rồi giơ thẳng cánh tay, ném xuống nước. Tõm!...

Vì thế cho nên cụ chánh bá nhà tôi mất đôi giày mới nguyên.

* * *

Cụ chánh bá mất giày! May mà cụ không biết đấy! Chứ giá cụ mà biết, thì chết nhà chủ! Vì cụ xưa nay chúa ghét những thói gian giảo! To gan thay, đứa nào dám vuốt râu hùm!

Lúc cụ xơi cơm xong, nhà chủ mới lên mời cụ đánh tổ tôm. Cụ vui vẻ cho phép ngồi, và hỏi dăm ba câu chuyện. Nhà chủ ngồi xổm ở cạnh sập. Và trong khi hầu chuyện, anh ta vớ lấy cái điếu để hút. Đấy, chính lúc ngọn đóm lập loè dưới gậm, anh ta mới nom rõ bốn xung quanh giường, không thấy đôi giày nào cả. Anh ta tái mét mặt, đến nỗi chưa hút được xong hơi thuốc, thì mối lo đã đùn đùn đưa lên đến ngực, đến nỗi anh ta sặc và ho sù sụ! Sợ quá! Nhưng không dám nói ra, anh ta mới lẳng lặng soi khắp nhà. Quái! Không tìm thấy đâu cả.

Nhà chủ xin phép cụ cho bốn người lên hầu bài, rồi đi xuống. Lúc gặp cậu người nhà, anh ta mới hỏi khẽ:

- Đôi giày của cụ, cậu có cất không?

- Không! Sao bác hỏi lố bịch thế?

- Vậy thì mất à? Đôi giày của cụ như thế nào, hở cậu?

- Mới nguyên, kiểu gia Định, đế cờ lếp, mua những ngót ba đồng!

Hỏi xong, nhà chủ sai người đổ đi soi đèn, tìm khắp mọi nơi, sau nhà, bờ giậu, xó bếp, ngoài vườn, chuồng trâu, cũi chó. Nghĩa là những chỗ có thể ngờ là kẻ gian giấu được, hoặc các nơi mà đàn chó con mọi khi vẫn chơi đùa.

Càng không thấy, nhà chủ càng lo. Cậu người nhà thỉnh thoảng lại nói một câu dậm dọa:

- Hay là tôi lên trình cụ xem nhé!

Trình cụ! Coi không cụ biết thì cụ chửi cho ủng mồ! Nhà chủ cứ bắt gia nhân đi tìm mãi, nhưng vẫn chẳng hy vọng gì, bèn đánh liều bỏ phí một đồng bạc để treo giải thưởng cho người tìm thấy.

Nhưng có mà trời tìm! Giá có cao đoán rằng cụ đã mật sai người nhà cụ vứt bõm xuống ao rồi, mà mò, thì cũng vô ích. Vì từ nãy đến giờ, thì giờ cũng đủ cho đôi giày rữa ra và tiêu hết rồi, chứ còn gì!

Nhưng mà mất giày cụ chánh bá! Việc to! chết!

Ấy, ở trên nhà, cụ vẫn đương vui vẻ gọi phỗng, và tính nước bài. Chứ nếu ai mà hót với cụ rằng đôi giày mới của cụ, có đứa nào thó mất, thì hẳn cụ quăng bài đó, rồi cụ tra tấn cho ra. Vì xưa nay cụ dữ như con hùm, khét tiếng trong hàng tổng là quyền hành, hách dịch, thét ra lửa!

Cụ thét ra lửa thật hay dối? Ấy là tán rộng thế cho nó hay đấy. Chứ nếu biết rằng mất giày mà cụ thét ra lửa thực, thì cháy tiệt cả nhà, còn gì nữa? Mà nhà nước thấy cụ có phép lạ, thì đã gửi toách cụ sang tây từ đời nào, để viện hàm lâm khoa học, các ông bouvier, caulery, gravier, joubin, marchal, mesnil khảo cứu. Và như thế thì chắc chắn cụ được đôi giày tây để đi, chứ cụ có còn ở nhà nữa đâu mà mất đôi giày gia Định, đế cờ lếp! Nhưng nói cho cụ đỡ oan, là từ ngày cụ có chân sơ học yếu lược tới nay, được đổi ngạch bá hộ sang văn giai, thì cụ cũng hiền lành hơn trước một chút. Cho nên, giá cụ có biết rằng cụ mất giày, thì cũng mặc kệ cho nhà chủ tự xử trí.

Tìm mãi không thấy, hai vợ chồng nhà chủ trợn mắt trợn mũi, luống cuống, chỉ trỏ bàn nhau. Không biết làm thế nào cho êm chuyện. rồi thở ngắn than dài, hối mãi vì sự trông nom không cẩn mật để xảy ra sự mất mát đáng tiếc ấy.

Rồi đến hai giờ sáng, xong ba hội tổ tôm, mọi người mời cụ chánh bá nghỉ, kẻo mệt. Nhà chủ sai đốt đuốc để tiễn cụ lại nhà. Khi chỉ còn một mình cụ ở lại, cụ mới quàng cái khăn vào cánh tay, rồi lấy đóm soi đôi giày dưới đất. Đôi giày của cụ thật mới, bóng nhoáng, kiểu gia Định, và đế cờ lếp, được để cận thận bên gậm sập. Cụ hiểu ý, liếc mắt nhìn nhà chủ. Nhưng cụ lại thấy nhà chủ cũng nhìn trộm cụ, thì cụ lại phải soi đóm xuống lần nữa, và làm như ngạc nhiên, không hiểu, nên nói:

- Ớ! Không phải...

Nhà chủ, trống ngực thình thình, vội vàng đáp để đánh trống lấp

- Dạ! Bẩm phải đấy ạ.

Thế rồi cụ làm như vô tâm, và hay tin người, cụ vươn vai, ngáp, rồi cót két đôi giày mới, đi về, lấy làm vừa lòng lắm...