Nếu không có một việc cần bất ngờ, thì có lẽ cả đời không bao giờ Vượng đi tới con đường quê hẻo lánh ấy. Đã thế ôtô đương đi tự nhiên ngừng hẳn lại. Thấy gần đấy có một cái chợ và mấy lớp nhà, Vượng để mặc tài xế chữa xe, đi rẽ xuống một con đường nhỏ tìm quán uống nước.
Chàng vào một cửa hàng tạp hóa, đưa mắt nhìn xem có chai nước chanh nào không. Bỗng chàng ngạc nhiên, kêu:
- Anh!
Một người mặc áo cộc trắng đương ngồi cặm cụi cho lạc rang vào chai, ngửng nhìn Vượng một hồi lâu, rồi đứng thẳng dậy như cái máy, reo một tiếng thật to, và cũng kêu như Vượng:
- Anh!
Vượng còn đương đứng ngẩn người nhìn bạn từ đầu đến chân, thì người bạn đã nhảy xuống đất rồi cứ chân không chạy ra kéo tay Vượng vào:
- Phải, tôi đây. Huy đây! "Huy địa dư" đây!
Vượng không ngờ đâu người bạn học cùng một trường với chàng đã hai lần đi thi tú tài, nay đương ngồi cho lạc vào chai ở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, cạnh một chợ quê tiều tụy.
Huy gọi với vào trong nhà bảo pha nước, hỏi chuyện rối rít, làm Vượng không kịp trả lời: tuy vậy, Huy vẫn không quên cho nốt chỗ lạc rang còn thừa vào chai. Chàng lấy một cuốn sổ mỏng gập đôi lại rồi thả lạc trôi dần dần vào chai, và phồng má thổi mạnh cho vỏ lạc bay ra ngoài.
Vượng chưa kịp nói câu gì, vì chưa biết bắt đầu ra sao. Vừa mới nói được một tiếng "anh" thì bạn đã gật lấy gật để đáp ngay:
- Phải tôi.
Vượng gắt:
- Ai chẳng biết là anh. Nhưng anh làm gì ở đây?
Huy đáp:
- Nhà tôi đây... Anh chưa biết à?... Mà anh biết làm sao được. Anh ở Tây về bao giờ?
- Tôi về đã hai năm nay.
- Đỗ gì rồi?
- Đỗ kỹ sư.
- Khá đấy!
Huy khen bạn một cách thản nhiên không mảy may lộ chút thèm muốn, hình như đã lâu lắm chàng không nghĩ đến những sự thi cử, học hành...
Một người đàn bà không đẹp không xấu, mặc áo nâu cài khuy, chân đi guốc ở trong nhà bước ra. Huy nói khẽ:
- Nhà tôi...
Rồi chàng chỉ Vượng giới thiệu với vợ:
- Đây là bác ký Vượng ở trên Thái xuống chơi. Mình bảo nó làm cơm bác xơi.
Vượng lấy làm lạ không hiểu tại sao Huy tại tự tiện cho mình là một ông ký. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Có lẽ vì trong kỹ sư có chữ kỹ, đổi một cái dấu thì thành ký ngay.
Vượng không hỏi bạn vì lẽ gì, đành tạm cho mình là một ông ký vậy. Chàng từ chối không nhận ăn cơm, lấy cớ chỉ đợi tài xế chữa xe xong, lại phải đi ngay. Huy hỏi khẽ:
- Bác đi ôtô... Ôtô của bác? Thế thì bác bảo tài xế ở ngoài xe đừng vào đây, sợ nhà tôi biết. Rồi tôi sẽ cho bác hiểu vì sao.
Thấy có người vào mua hàng, Huy vội đứng lên:
- Xin lỗi bác...
Chàng tươi cười hỏi khách:
- Chè đầu xuân mới về, tôi vẫn để dành ông một bao đấy.
Chàng rút ra một bao, mở nắp để mũi vào hít ngửi mấy cái, rồi cẩn thận gói đưa cho khách, vừa đưa vừa thân mật hỏi:
- Thế nào, ông đã lo được tiền đăng cai cho cháu chưa?
Vượng để ý nhìn bạn vẫn thấy bình tĩnh như thường, không lộ vẻ khó chịu vì phải nói một câu đãi bôi, trái với ý tưởng. Chàng ngẫm nghĩ:
- Cái học trong bấy lâu thật vất đi cả... Hay là anh đã đổi cả tâm tính đi rồi.
Vượng lắc đầu chán nản, vì chàng nghĩ rằng sự nghèo khổ không nguy hiểm cho người ta bằng sự trụy lạc về tinh thần.
* * *
Người nhà bưng mâm cơm lên và đặt ngay ở giữa giường.
Đồ ăn tuy nhiều nhưng vì để trong những cái đĩa đàn trên một cái mâm gỗ đã bong sơn, nên trông không có vẻ ngon lành.
Vượng quay mặt cho bạn khỏi ngượng, vì chàng đoán chắc bạn cũng ngượng như chàng. Huy ngồi vào mâm so đũa nhìn mâm cơm, nói với Vượng:
- Hôm nay không phải phiên chợ, bác xơi tạm bữa cơm dưa muối. Thức ăn đã chẳng có gì, mà người nhà lại vụng về.
Nói vậy, nhưng Vượng thấy bạn có vẻ mặt khoái trá của người sắp được dự một bữa tiệc rất sang; chàng thấy bạn so những chiếc đũa sơn cong queo một cách âu yếm, và gượng nhẹ đặt ngay ngắn bên cạnh mâm.
Vượng thấy nét mặt và cử chỉ của bạn có vẻ tự nhiên, là những nét mặt và cử chỉ vẫn thường có hàng ngày chứ không phải tô tạo ra để cốt làm vui lòng một người bạn.
Ăn cơm xong thì trời vừa chiều. Huy rủ Vượng ra hiên sau ngồi uống nước.
Bên cạnh một giàn mướp đầy hoa vàng có để một cái bàn cũ và cái ghế tre dài. Vượng vừa hút thuốc lá vừa nhìn ra: cái cảnh khu cánh đồng bùn lầy, nước đọng phẳng lì đến tận chân trời gieo vào tâm trí chàng một nỗi buồn mênh mang, với những ý tưởng chán nản về cuộc đời sống ở những chốn quê hẻo lánh.
Bên một cái giậu nứa đã đổ nghiêng dưới sức nặng của những cây mồng tơi, một con lợn sề gầy gò, ve vẩy đuôi, lê bụng đi từ từ giữa một đàn lợn con chạy loăng quăng.
Huy ngả người vào lưng ghế, giang thẳng hai tay có vẻ khoan khoái bảo Vượng:
- Cái hiên này, mùa hè đến, mát lắm.
Vượng thấy bạn có vẻ hồn nhiên lạ lùng, hình như từ thủa bé chàng vẫn sống trong cái cảnh này, và chàng còn muốn sống trong cái cảnh đó cho hết đời. Lúc ấy Vượng mới nhận ra rằng mình buồn, mình thương bạn, không phải vì thấy bạn gặp cảnh nghèo, mà thật ra vì thấy bạn không thể nào thoát khỏi cảnh nghèo được, không có sức để cất đầu lên được nữa. Chàng lẩm bẩm một câu bằng tiếng Pháp:
- Thật là hết!
Chàng toan nói cho Huy rõ ý tưởng đó, nhưng chàng biết là vô ích, nên lại thôi. Huy không sao hiểu được nữa.
Hai người ngồi yên lặng một lúc lâu. Bỗng Huy quay lại phía Vượng hỏi đột ngột như đã đoán được ý nghĩ vấn vương trong óc bạn:
- Anh thấy tôi đổi khác trước nhiều có phải không? Bảy tám năm rồi còn gì?
Trời tối hẳn; Vượng và Huy không nhìn rõ mặt nhau, nhưng tiếng nói của Huy vẫn đều đều lọt vào tai Vượng; lúc nói chuyện, hai người cùng sống trở lại những ngày vô tư lự của cái đời học trò chín năm trước. Có tiếng vợ Huy ở trong nhà hỏi:
- Sao mình không thắp đèn lên?
Huy vội ngắt lời vợ:
- Thôi, không cần.
Rồi chàng lại bắt đầu kể chuyện cho Vượng nghe:
-... Thế là tôi rớt về địa dư và lịch sử, mặc dầu anh em đã gọi tôi là "Huy địa dư".
Vượng nói:
- Anh rớt, có lẽ vì tại anh học thuộc quá, thuộc cả chấm câu, chấm phẩy và số trang.
Huy cười:
- Anh không nhớ có lần làm bài về địa dư, tôi bắt đầu ngay bằng một câu: "Như tôi đã nói ở trang 45, mục 7..." nghĩa là tôi cứ viết theo nguyên văn trong sách. Của đáng tội, trí học của tôi không lấy gì làm sáng suốt cho lắm, tôi chỉ được một cái chăm và học thuộc lòng. Mà chăm như thế, chỉ vì cốt thi đỗ để lấy Liên. Chắc anh đã biết Liên?
- Lạ gì, Liên con cụ Tuần Đạo.
- Chính đó. Nhưng năm đầu tôi rớt, Liên và nhà Liên đành lòng đợi tôi năm sau. Cái mộng được làm một ông tham, lại được lấy một người đẹp, con nhà giầu, cái mộng to lớn nhất trong đời tôi lúc đó, vì thế vẫn còn. Tôi chăm học bằng hai năm trước và học thuộc lòng cũng gấp hai trước... Thế rồi chỉ vì một cái tẩy...
Nói đến đây, Huy cười khẽ một cái, với điếu thuốc lá, đánh diêm châm hút.
- Kỳ thi năm sau, tôi trả lời các bài trôi chảy cả. Chỉ còn địa dư và lịch sử, tôi để lại sau cùng. Lúc vào phòng thi, tôi lo sợ phấp phỏng. Ông giáo chấm thi hỏi tôi câu đầu, tôi đáp ngay được. Ông bằng lòng lắm. Ông tươi cười toan cho nốt, nhưng gió quạt máy cứ chực lật tờ giấy chấm thi. Sẵn có cái tẩy, ông lấy chặn lên một góc giấy. Nhưng cái tẩy không chịu được sức gió, lăn ra ngoài, giấy cuốn cong chạm vào bút; ông hất ra mấy lần không được, đập tay xuống tỏ vẻ khó chịu và bảo tôi ra tắt quạt máy đi.
Ông hỏi sang địa dư... Thấy trán ông lấm tấm mồ hôi, sợ ông vì nóng quá đâm ra gắt gỏng nên tôi ra vặn quạt cho chạy. Ông mỉm cười khen:
- Tốt lắm, con ạ. (Très bien, mon enfant).
"Con" sung sướng lắm, hỏi đâu đáp đấy, trôi như nước chảy.
Ông cầm bút cho nốt và tiện tay lấy cái tẩy chặn lên góc giấy. Tôi lo lắm, chỉ lo tẩy nhẹ quá, gió lại hất giấy vào bút làm ông phát bẳn không cho nốt cao. Hai mắt tôi nhìn đăm đăm vào cái tẩy như bị thôi miên. Cái tẩy khẽ rung động. Tôi lẩm nhẩm:
- Này nó sắp lăn... nó sắp lăn.
Cái tẩy lăn đi một vòng. Tôi nín hơi đợi, nhưng vì lúc đó sức gió yếu, nên nó đứng lại ngay. Cái tẩy lại rung động, tờ giấy lật mạnh; thấy cái tẩy bị hất ra ngoài, sắp lăn xuống đất, tôi nghiêng người toan chạy lại; ông giáo vừa cho xong nốt, nhưng bị tờ giấy hắt vào bút, mực dây cả ra tay.
Ông ngửng nhìn tôi, và thấy tôi đương nghiêng người về đằng trước, chăm chú vào tờ giấy cho nốt, có vẻ khả nghi. Ông đập bàn:
- Được lắm, anh muốn nhìn nốt, tôi sẽ dạy cho anh cách nhìn nốt... Anh vừa gan vừa khéo nịnh... à, tôi nhớ ra... lúc nãy anh vặn quạt máy cốt để giấy lật, anh nhìn nốt cho rõ.
Ông liền xóa nốt cũ đi, cho tôi một con số khác, không phải hình quả trứng thì cũng hình cái gậy.
Lẽ cố nhiên là tôi rớt. Nhà cô Liên và cô Liên lẽ cố nhiên là không đợi tôi và đợi chức tham biện với số lương hơn trăm đồng mong ước kia. Tôi đau, tôi khổ, tôi kêu trời, kêu đất mất gần nửa tháng. Trí tôi không lúc nào không nghĩ đến cái tẩy. Nếu cái tẩy ấy nó nặng hơn một tí, một tí nữa thôi, thì tôi đã đỗ, cô Liên đã lấy tôi, tôi đã sung sướng...
Huy ngừng lại một lúc lâu, rồi nói tiếp một cách chậm rãi như cân nhắc từng tiếng:
- Bỗng một hôm tôi nghĩ ra. Tôi sực tỉnh. Tôi tự bảo: nếu bao nhiêu điều mình mơ ước, nếu hy vọng của cả đời mình chỉ dựa vào cái tẩy bé con, một cái tẩy khốn nạn, vô lý, thì hạnh phúc ở đời mình không thể nào chắc được. Đi đuổi tốn công. Phải làm thế nào cho hạnh phúc ở đời phải ở mình, chỉ ở mình thôi.
Huy nhắc lại:
- Hạnh phúc chỉ ở lòng mình, hạnh phúc chỉ ở sự yên tĩnh của tâm hồn. Khi mình đã có cái bình tĩnh đó, thì không cái tẩy nào làm mất được, thật là chắc chắn, kiên cố. Thế là từ hôm đó, tôi khỏi buồn, người tôi đổi khác hẳn. Tôi lăn lộn rất nhiều nơi, có lúc làm lụng vất vả trong các nhà máy, các hầm mỏ, có lúc giầu, có lúc nghèo... Ngồi bán chè ở cái chốn quê xơ xác này, nhưng chỉ cảnh ngộ đổi khác, còn ở trong vẫn không thay đổi. Nếu cái tẩy làm tôi vất vả thì trái lại nó đã cho tôi thấy hạnh phúc trong tám năm nay.
Một hôm lang thang đến đây tôi gặp nhà tôi, tính ra đến nay đã được hơn một năm. Tôi chưa biết là ở tạm, hay là ở hẳn vì đằng nào cũng vậy. Nhà tôi không rõ quãng đời trước của tôi, tôi phải tự tiện cho anh là một ông ký, vì tôi làm gì có một người bạn kỹ sư, sang trọng, có ôtô nhà như anh.
Huy cười nói thật khẽ:
- Nhà tôi cứ tưởng là tôi cũng dốt như nhà tôi vậy.
Mặt trăng từ từ lên sau mấy thân cau viền trắng; ánh trăng chiếu vào in rõ lên quần áo Huy những bông lá mướp gió lay động. Vượng lại nhìn rõ nét mặt bạn. Nhưng bây giờ chàng thấy bao nhiêu những ý tưởng buồn bã, chán nản về bạn tự nhiên tiêu tan hết.
Rút trong tập truyện ngắn Tối tăm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936