Anh Chàng Hiệp Sĩ Gỗ

Kim Lân

I

Những năm cách đây rất xa, xa lắm.

Ở thị trấn Bến Cam, mỗi năm cứ đến ngày gần Tết người ta lại thấy ông lão già ấy. Không ai biết quê quán ông lão ở đâu, họ tên ông lão là gì. Nhưng mỗi năm vào dịp Tết người ta lại thấy ông lão đẩy cái xe bánh gỗ lọc khọc đến, ăn mấy phiên chợ Tết, qua Giêng, ngày rộng tháng dài lại đẩy cái xe bánh gỗ lọc khọc đi…

Cũng chẳng ai để ý hỏi xem ông lão đi đâu? Đến những vùng sơn cùng thủy tận nào? Chỉ biết cuối năm người ta lại thấy ông lão.

… Một buổi sáng đẹp trời nào đó, sương mù và nắng sớm bay rực rỡ ưên mặt sông. Gồng gánh, hàng họ từ trên các ngả đường kĩu kịt gánh về, và thuyền bè dưới bến đổ lên những kiện hàng, những bồ, những sọt, cam, bưởi, nấm hương, mộc nhĩ… Cả cái thị trấn nhỏ bé ấy đang tấp nập mua bán, mọi người bỗng nghe tiếng thanh la từ phía sau mấy lớp đồi núi ngổn ngang trước mặt nổi lên.

"Phe è… èng!… Phè è… èng!… Phèeng!…"

Tiếng thanh la mỗi lúc một gần, rồi ông già hiện ra trên đầu dốc Đỏ. Ông lão đẩy cái xe hăm hở đi xuống. "Phèeng! Phèng! Phèng!…" Cái xe lọc khọc nghiêng ngả lăn giữa hai dãy bàng trụi lá, vào phố.

Trẻ con không biết từ những ngõ ngách nào đã thấy tuốn ra đầy đường, nhông nhông chạy theo ông lão mà reo hò.

– A ha!… Ra mà xem! Múa rối! Múa rối đã về chúng mày ơi!…

– Cụ ơi!… A ha ha! Cụ múa rối ơi! Vẫn có anh chàng hiệp sĩ đấy chứ?…

Ông lão vừa đẩy xe vừa gật gật đầu cười với đám trẻ con chạy theo. Đó là một ông già cao lớn, khỏe mạnh, có nước da đỏ cháy như đồng hun và bộ râu bạc trắng bay lòa xòa trước ngực. Ông lão vận chiếc áo bông cũ, buộc ra ngoài một sợi dây chuối ngang bụng cho gọn. Chiếc nón mất vành thì tụt xuống, lắc lư đằng sau gáy. Ông lão bước từng bước dài, hăm hở, vững chãi trên hai cái bàn chân to sù sì dính đầy đất bụi.

Ông lão ấy làm nghề múa rối rong. Trong con mắt trẻ con ở cái thị trấn nhỏ này, chúng nó cho ông lão là một người kỳ dị. Một tay giang hồ lão luyện, biết nhiều, hiểu nhiều, có nhiều tài lạ.

Và, cái xe ọp ẹp ông lão vẫn đẩy ấy là một thứ thế giới bí mật của những con rối bằng gỗ.

Ông cụ già, cái xe gỗ, và đám trẻ con đã dừng lại dưới một gốc cây thông trước cổng chợ. Tiếng thanh la lại khua ánh ỏi lên một hồi nữa rồi im hẳn.

Bây giờ ông lão mới quay ra, rút cái khăn vải vàng ố vẫn vắt trên vai xuống, lau mặt, lau cổ, toét miệng cười với đám trẻ con.

– E hèm! Xem nhá! Năm nay nhiều tích mới lắm. Đám cưới chuột, cô công chúa ăn vụng phải đòn, thằng Quậy ngồi gốc cây đa, anh chàng đánh hổ, ối chà chà lý thú lắm!

Đám trẻ con đứng xung quanh ngẩn mặt ra nghe toét miệng cười theo.

Cuộc biểu diễn bắt đầu. Ông lão dẫn các tích trò xong chui vào trong cái hòm gỗ ngồi. Tiếng đàn sáo tức thì bay ra réo rắt, một lúc, hai cánh màn nhiễu đỏ ở một bên thùng xe từ từ cuốn lên.

Trong cái hòm gỗ ọp ẹp ấy bỗng hiện ra những cảnh hoa cỏ, núi sông rực rỡ. Có những cụ già chống gậy lụ khụ đi lại. Có những em bé nhảy múa tung tăng. Có người đi cày, có người dạy học. Có rắn biết nói, có yêu ma hiện thành người đánh lừa những kẻ qua đường.

Ở trong cái hòm gỗ, ông già lúc bấy giờ bỗng như người bị ốp đồng, ông lão không còn biết gì đến xung quanh nữa. Giữa cái đám chợ đương lúc ồn ào mua bán, giành giật nhau miếng sống với tất cả những mánh khóe lọc lừa gian dối của con buôn, ông lão không nghe thấy gì hết. Tất cả tâm lực của ông dồn vào những con rối. Mặt ông co vào, giãn ra, răn rúm một cách khổ sở đau đớn, như người đang bị kìm cặp, và hai con mắt thì long lên, sáng quắc.

Ông lão hát, ông lão đánh đàn thổi sáo. Ông lão làm tiếng gió thổi, suối reo. Ông lão cười. Ông lão khóc.

Một mình ông lão nói đủ các loại tiếng người. Tiếng kẻ gian tham, tiếng người trung hậu, tiếng ông già, tiếng em nhỏ. Tiếng rên xiết của người nghèo khổ, cũng như tiếng nanh ác của những kẻ giết người… Ông lão lúc bấy giờ như một vị chúa tể của loài rối, có nhiều phép lạ sai khiến chúng nó hoạt động, đi đứng, nói cười, vui buồn, yêu ghét… theo ý muốn của mình bằng mười đầu ngón tay ảo thuật có buộc những sợi dây chỉ nhỏ. Ông lão biến những hình người bằng gỗ ấy thành những con người có linh hồn như những con người sống thực.

Đám trẻ con ngồi xem cứ mê tít đi. Các em không còn thấy là diễn trò nữa. Trước mặt các em đó là những cảnh đời đang biến đổi dồn dập làm các em hồi hộp, lo lắng, mong đợi… Mỗi tích các em thấy mỗi lạ, mỗi con rối có một tính cách đặc biệt riêng làm các em phải ghi nhớ!

Nhưng trong tất cả các con rối của ông lão, có một con được trẻ con thị trấn Bến Cam yêu thích, mến phục nhất. Các em đã biết nó từ mấy năm trước và luôn luôn nhắc đến. Ấy là con rối chuyên đóng vai hiệp sĩ cứu đời.

Con rối ấy rất đẹp. Hình dáng giống như hình dáng những trang anh hùng, nghĩa sĩ trong các truyện cổ của Trung Quốc. Mặt trắng, môi đỏ, cằm vuông, mắt xếch. Đầu đội mũ võ sinh màu nguyệt bạch, sau gáy đeo đại vòng kim tuyến phủ, mình bận chiến bào lụa màu lục anh vũ, lưng thắt dây văn võ màu xanh, chân dận ủng tía. Trên vai lúc nào cũng dắt một thanh bảo kiếm, có thắt dải lụa hồng ở chuôi. Nó đi đứng oai nghiêm, nói năng dõng dạc, rõ ra là một trang thiếu niên anh tuấn.

Mỗi lần anh chàng hiệp sĩ ấy hiện ra trên sân khấu, vung cái thanh gươm báu ấy lên thì bao nhiêu sự bất công, ngang trái ở trên đời đều được san bằng hết. Người ngay lành được cứu giúp, đứa hung ác phải trừng trị.

Sau buổi diễn trò hôm ấy, trẻ con thị trấn Bến Cam nhớ mãi tích Anh chàng hiệp sĩ đánh hổ cứu một em bé lên rừng hái thuốc cho mẹ. Các em đặt cho anh ta đủ các thứ tên mà các em mến phục. Có em gọi anh là Võ Tòng đả hổ, có em gọi là Báo tử đầu Lâm Xung, là Phương Thế Ngọc, Tiêu Đại Bàng, Nhất Chi Mai… Lại có những em về nhà lấy củi hì hụi đẽo một thanh kiếm gỗ mơ ước trở thành một trang anh hùng hiệp sĩ kiểu như Anh chàng hiệp sĩ bằng gỗ của ông lão làm nghề múa rối rong ấy…

* * *

II

Nhưng chuyện Anh chàng hiệp sĩ gỗ không phải chỉ có thế, nó còn nhiều điều bí ẩn không thể ai biết được. Các em nhỏ ở thị trấn Bến Cam không biết đã đành, mà ngay cả đến ông lão múa rối là người sinh ra nó cũng không thể ai biết được. Đó là cuộc sống và những tâm sự riêng của con rối hiệp sĩ ấy.

Mỗi đêm, khi những tiếng động của cuộc sống loài người lắng xuống, ông lão múa rối sau một ngày làm việc mệt nhọc đã uống hết một cút rượu, nằm ôm đầu ngáy như sấm trong một góc buồng trọ tồi tàn ngoài bến sông.

Giờ này là của những con chuột rúc rích trong các khe tường kiếm ăn. Giun dế ti tỉ tìm nhau than thở dưới những búi cỏ…

Bóng tối đã bò ra trùm lên mọi vật tấm màn đen bí mật của mình. Trong thanh vắng, những vật ban ngày không có linh hồn bỗng như sống dậy, hoạt động âm thầm trong cái thế giới riêng biệt của chúng nó. Mấy cây đa trên cái bờ đê cao như vui mừng hơn, chúng nó vươn dài những cành lá ra, khoác vai nhau thủ thỉ kể lại những chuyện đời xửa, đời xưa của khúc sông này. Mặt sông thì yên lặng suy nghĩ, lúc tối lúc sáng, mỗi bận có một trận gió thổi qua lại thở "à" lên một tiếng não nùng.

Ở trong góc cái hòm xe của ông già múa rối, anh chàng hiệp sĩ bằng gỗ lúc bấy giờ đã được ông lão treo cẩn thận lên một cái đinh sắt. Trông nó lủng lẳng như người bị treo cổ, các bạn xung quanh nó đều được treo lên như thế cả. Loài rối treo lên như vậy lại là lúc được nghỉ ngơi, thanh thản.

Đêm khuya, trong cái thùng gỗ tịch mịch, những con rối treo lơ lửng trên những chiếc đinh. Mùi băng phiến thơm hắc từ xó tối tỏa ra, đuổi mấy con gián hung dữ tìm mồi chạy lạo xạo bên ngoài những khe ván hở.

Một trận gió đêm thoảng qua, bay lọt vào khẽ lay động những con rối. Chúng nó chợt rùng mình bàng hoàng tỉnh dậy và bắt đầu sống theo cái đời sống riêng của loài rối.

Mụ ba giai gầy rạc ngáp một tiếng thật dài lên tiếng. Đêm nào mụ cũng nói trước tiên. Mụ ngoác cái mồm rộng ra đến tận mang tai xoe xóe như lúc cãi nhau:

– Thế nào các người! Tết nhất năm nay tôi phải réo nợ những nhà ai? Ai thuê tôi đi réo nợ chứ hả? Hả…

– Nợ nan cái đếch gì! Thối chửa. – Anh cả kiết bĩu môi lầu bầu bảo mụ ba giai – Ở trong cái hòm rối này anh đếch nào nợ anh nào mà nhặng cả lên. Không biết đường thối!…

Cô công chúa khăn vàng mau miệng vội gạt đi. Cô ta bàn nên quay về việc chuẩn bị tổ chức ngày tết cho thật vui. Theo ý cô nên tổ chức theo hình thức mới, đàn sáo, múa hát cho vui. Ông lão say, mặt lúc nào cũng đỏ như gấc chín. Một tay vẫn cầm xâu thịt, một tay cầm bầu rượu, tức thì phản đối. Lão lắc đầu quầy quậy, kè nhè giọng rượu:

– Phải say! Tết nhất phải say túy lúy cung thang thì mấy thích.

Lão cất tiếng ồ ề ngâm:

"Nêu cao ư ư… pháo đỏ, bánh ứ ứ chưng xanh… ư ư… Thịt mỡ ứ… dưa a… hành, câu đối đỏ…"

Họ nhà rối chẳng ai buồn nghe lão, bởi vì mỗi người mỗi ý. Theo mẹ con bà lão gấu già thì ăn tết phải có mật ong. Chị chàng mãn tam thể lại thích ăn tết bằng chuột nhắt. Lão hổ xám tức mình gầm lên, lão gạt hết cả mọi ý kiến. Lão bảo tết năm nay lão phải xơi ít nhất là ba anh chàng bò mộng.

Thế là ồn cả lên, bò, lợn, hươu, thỏ nhao nhao phản đối lão hổ. Họ bảo hổ như thế là không tốt, là quân hung dữ. Bò vàng thì tức lắm, anh ta vừa run vừa cãi lại hổ.

Mấy bà gái góa chẳng nói gì, cứ thấy hai tay ôm má buồn rười rượi, cô tiểu thơ áo xanh lại trách móc anh chàng công tử bột là khô khan. Ở ngoài sân khấu thì mắt la mày lét, bây giờ lại làm bộ, lầm lầm cái mặt. "Thiếu cảm tình"!

Anh chàng hiệp sĩ gỗ vẫn âm thầm trong một góc tối: Đêm nay anh ta bỗng thấy lòng buồn một cách lạ lùng. Không phải vì sự quạnh vắng của đêm tối, cũng không phải vì các bạn anh cãi nhau. Chuyện cãi vã nhau như vậy, họ nhà rối của anh là chuyện rất thường vì thật ra, tiếng rằng cũng là rối cả đấy, nhưng có ai giống ai đâu. Họ mỗi người mang một hình thù, mỗi hình thù có một tính nết riêng. Vậy thì có điều gì đáng cho anh phải buồn? Anh tìm mãi không ra duyên cớ.

Mọi đêm, vào giờ này, trong khi các bạn anh cãi vã nhau thì anh nghĩ lại những việc anh đã làm trong một ngày đã qua. Anh nghĩ: ngày hôm ấy anh đã trừ được mấy tên gian ác, đuổi được mấy lần thú dữ. Anh đã cứu được bao nhiêu người gặp tai nạn hiểm nghèo. Anh còn lan man nghĩ đến những công việc ngày tới sẽ phải làm những gì nữa cho xứng đáng với những nét mặt, những ánh mắt, miệng cười của các bạn nhỏ đã xem anh.

Nhưng đêm nay, không hiểu vì lẽ gì, đầu óc anh chàng hiệp sĩ ấy vẩn lên những ý nghĩ vu vơ, day dứt trong người, những ý nghĩ làm anh bực dọc khó chịu, có lúc anh như muốn khóc, có lúc lại như muốn gào thét lên.

Xung quanh các bạn anh cãi nhau đến chán miệng đã quay ra ngủ cả rồi. Cô công chúa khăn vàng đầu ngoẹo sang một bên, hai tay buông thõng xuống, rũ rượi như một cái xác. Lão hổ xám vẫn ngồi mở hai mắt trừng trừng ra mà ngáy…

Ngoài sông sương xuống trắng xóa. Không biết anh gà nào ở dưới bến đang ráng sức gáy gọi ông mặt trời. Gần sáng rồi.

Anh chàng hiệp sĩ gỗ bỗng thấy rùng mình. Theo hơi gió từ ngoài sông thoảng vào, anh chợt nghe có tiếng người đang nức nở khóc trong bóng tối. Tiếng khóc xói vào mặt anh, kể lể những đau khổ, cùng cực của một ông lão ăn mày mù. Ông lão có một con chó vàng rất khôn. Ngày ngày con chó dắt ông lão đi khắp chợ ăn xin, đêm về hai "thầy trò" lại ôm nhau ngủ ở dưới gốc đa ngoài quán trọ.

Cuộc đời nghèo khổ đã cướp đi của ông lão hai con mắt. Ông lão chỉ còn trông vào con chó nuôi sống tuổi già. Vậy mà không biết đứa ác tâm nào lại đánh bả con chó của ông lão chết, cướp đi cái nguồn sống, và tình thương yêu cuối cùng của con người tàng tật ấy.

Người anh chàng hiệp sĩ bỗng sôi lên. Anh lại gặp cảnh bất công như anh vẫn gặp thường ngày trên sân khấu đây. Anh phải xông ra, đem hết tài lực của mình cứu giúp ông lão. Anh phải tìm kiếm bằng được đôi mắt chữa cho ông lão khỏi mù. Anh phải trừng trị kẻ đã cướp đi con chó khôn ngoan, chung thủy của ông lão.

Anh phải xông ra! Và anh xông ra đây!…

Trong người anh chàng hiệp sĩ ấy tức thì dội lên một nỗi đau buồn chưa từng thấy có trong đời.

Khốn nạn! Anh chỉ là một con múa rối. Xương cốt anh chẳng qua cũng chỉ là một mẩu gỗ. Anh cũng như con bò vàng, mẹ con bác gấu, hay cô tiểu thư áo xanh v.v… các bạn rối treo quanh đây. Anh có hơn gì ai, thanh gươm vẫn đeo rất oai nghiêm trên lưng bây giờ anh có rút ra được đâu. "Thanh gươm của mình, đeo trên lưng mình mà không rút ra được!" Chao ôi! Thì ra từ trước đến nay anh chỉ múa may quay cuồng được ở trong cái thùng gỗ mọt bé nhỏ này, và anh hùng hảo hán bằng mười đầu ngón tay điều khiển của ông lão làm nghề múa rối.

Anh chàng hiệp sĩ ấy thương thân quá. Anh muốn khóc, anh muốn khóc cho rõ thảm thiết. Nhưng, khốn nạn thân anh, đến một giọt nước mắt cũng không có ở một người gỗ như anh để mà chảy ra cho hợp với nỗi ai oán của lòng mình lúc này. Bên ngoài, tất cả những anh gà trống bỗng cùng thi nhau cong cổ réo ông lão mặt trời dậy. Dưới bến đã nghe tiếng người í ới gọi nhau, tiếng vo gạo sàn sạt. Bấy giờ ông lão mặt trời mới uể oải chống tay vào sườn núi ngồi lên.

Sáng rõ mặt người rồi…

* * *

Từ đêm nghe tiếng khóc của ông lão ăn mày mù lòa ấy, anh chàng hiệp sĩ gỗ bỗng sinh ra nghĩ ngợi. Tiếng khóc khơi ra trong cái đời sống tù hãm của anh những khát vọng kỳ lạ.

Anh muốn hóa thành người thực, và thanh gươm của anh thành một thanh gươm thực. Anh sẽ mang thanh gươm báu ấy ra khỏi cái hòm gỗ bé nhỏ này bước vào cuộc sống đầy khổ cực, bất công của xã hội bên ngoài kia. Anh sẽ vung thanh gươm ấy lên như khi anh vung gươm diễn trò trên sân khấu, san bằng mọi bất công, oan trái ở trên đời. Anh sẽ làm cho trên mặt đất này không còn có tiếng khóc thảm thiết như tiếng khóc của ông lão ăn mày mù mất chó. Những mơ ước viển vông ấy làm cho anh chàng hiệp sĩ ấy hăng hái, vui sướng, anh nuôi những ý nghĩ ấy trong lòng.

Mấy hôm nay anh chàng hiệp sĩ còn nhận ra ở dưới gốc cây đa đen ngòm và lạnh lẽo kia không phải chỉ có một ông lão ăn mày khóc. Ở đấy còn có nhiều tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở khác nữa. Càng gần ngày giáp tết tiếng rên rỉ từ trong bóng tối cây đa đưa ra càng nhiều. Đó là những người ăn mày, những đứa trẻ vô thừa nhận, những người già ốm yếu không có con cái, cửa nhà; ban ngày lang thang đầu đường xó chợ kiếm ăn, ban đêm lại kéo nhau về nằm vạ nằm vật dưới bóng cây đa này.

Ý muốn hóa thành người thật lại càng nung nấu, day dứt trong người anh chàng hiệp sĩ gỗ.

Một đêm anh đem cái ý nghĩ ấy ra trình bày với các bạn trong họ nhà rối của anh. Anh nói với tất cả tấm lòng tha thiết chân thành của mình. Nhưng bạn rối lúc ấy đang mải cãi nhau về chuyện ngày Tết. Vẫn lại cô công chúa khăn vàng cãi nhau với ông lão say. Mẹ con bà gấu đòi ăn tết mật ong, chị chàng tam thể lại thích tết nhất phải có món thịt chuột, còn anh bò vàng thì run rẩy cãi lại lão hổ xám.

Anh chàng hiệp sĩ phải nói đến lần thứ ba, đám rối mới ngừng cãi nhau để nghe. Và, khi họ nghe thủng cái ý muốn của anh chàng hiệp sĩ rồi thì cả bọn đều lăn ra mà cười. Họ bảo anh ta là đồ dở hơi, đồ gàn, đồ điên… Cái thứ bằng một mẩu gỗ mọt ấy mà dám nghĩ đến chuyện làm người. Gã công tử bột chun mũi lại, mà cười:

– Này anh chàng hiệp sĩ của tôi ơi! Anh đừng tưởng rằng anh tài giỏi gì lắm đâu. Nhà em xin mời ông anh cứ thử bước ra ngoài kia, khỏi cái vòng thơm hắc của mùi băng phiến này xem, mấy cái thằng gián hung tợn ở ngoài ấy nó lại không leo ngay lên mặt anh mà nhấm hết cả hồ dán trên tóc, trên mũ, trên áo quần của anh ấy à. Hừ, tưởng bở!…

Anh chàng hiệp sĩ lặng thinh không nói. Họ không hiểu nổi anh thật. Làm sao mà những con gấu, con bò, lão say rượu với gã công tử bột… hiểu nổi tâm sự của một chàng hiệp sĩ!

Anh ngao ngán nhìn qua khe thùng gỗ thở dài.

Trong đêm tối, những ánh đèn đỏ úa đang lừ đừ qua lại dưới mấy cái xóm nghèo ngoài bến sông. Đêm nay là đêm ba mươi tết rồi, những ánh đèn ấy là những ánh đèn đi đòi nợ. Từ những ánh đèn quỷ quái ấy tiếng chửi bới cứ rú lên những tiếng nanh ác, sắc nhọn như mũi dao đâm vào da thịt. Và, ở dưới gốc cây đa tối, mỗi lần tiếng chửi rủa vẳng đến thì những tiếng than thở, rên rỉ, lại đưa ra thê thảm, ai oán hơn.

– Mẹ ơi!… Sao lại không ngủ ở nhà hả mẹ?

Có tiếng một em bé nào nói khe khẽ ở dưới gốc đa. Tiếng em thanh thanh, run rẩy như tiếng chim non:

– Thôi ngủ đi con. Đừng hỏi nữa, khổ mẹ lắm con ơi!…

– Cơ mà con rét lắm mẹ ạ.

Tiếng người mẹ lại thều thào vẳng lên:

– Đây, mẹ vẫn ôm con vào lòng đây. Mẹ đã cởi hết áo của mẹ ủ cho con rồi… Con ngủ đi chóng ngoan… Con tôi…

Một trận gió ào lên thổi bạt tiếng người mẹ đi. Đêm tối thăm thẳm, và lạnh buốt. Bóng những ngọn đèn nhập nhòe vẫn đi lại trong mấy cái xóm nghèo dưới bến. Các bạn rối đã quên hết những chuyện cãi nhau, ngủ im cả rồi. Ông lão múa rối, đêm nay không biết lang thang ở đâu vẫn chưa thấy về. Có lẽ ông lão buồn. Năm cùng tháng tận, một mình thân già tha phương cầu thực…

Tiếng em bé lại cất lên hỏi mẹ. Tiếng em nghe ngoan quá.

– Mẹ ơi! Bao giờ thì mẹ con ta được về nhà hả mẹ?

– Đến giao thừa con ạ. Năm mới về thì người ta không đòi nợ nữa…

À thì ra đó là hai mẹ con nhà ai đêm ba mươi tết trốn nợ ra đây. Anh chàng hiệp sĩ nghe mà tối sầm cả tâm trí. Sắp qua một năm rồi, anh càng bồn chồn, nóng ruột. Anh muốn thành người ngay. Anh phải là người thật, thanh gươm của anh phải là thanh gươm thật, anh mới thực sự giúp ích cho đời. Nhưng tiếng em bé ngoài gốc đa bỗng reo lên, cắt ngang ý nghĩ của anh chàng hiệp sĩ gỗ.

– Năm mới người ta không đòi nợ nữa à. A, thế thì thích quá mẹ nhỉ. Năm mới mẹ phải may áo mới cho con nhá. Mẹ gói cả bánh chưng nữa nhá, mẹ mua cả tranh tết nữa nhá. Con thích tranh lắm cơ.

Tiếng em bé trong sáng và vui tươi lạ lùng. Ngừng một lúc – chắc là em đang tưởng tượng cái năm mới đầy hạnh phúc của em – em tiếp:

– À mẹ này! Năm mới bố con có về không mẹ nhỉ? Những đứa bạn con, chúng nó cứ bảo: bố mày chết rồi. Chúng nó nói dối đấy mẹ ạ, không phải đâu, năm nay thế nào bố cũng về… bố về thì mẹ phải mua rượu cho bố uống nữa nhé!…

– Ừ, thôi ngủ đi con!

– Không, con không ngủ nữa. Con phải thức chờ năm mới chứ. Bao giờ năm mới hả mẹ?

– Chốc nữa, bao giờ có nhiều pháo nổ thì là năm mới.

– Thế ư? Thế thì sướng quá. Con sướng quá. Lạy giời pháo nổ mau lên! Pháo nổ mau lên, cho chóng đến năm mới…

Em bé bỗng nín bặt. Từ dưới bến sông, một ngọn đèn đỏ quạch lừ đừ đi lên.

– Người ta đến bắt nợ, mẹ ơi!…

– Im con.

Ngọn đèn lẳng lặng đi qua gốc đa, rồi rẽ vào trong nhà trọ của ông lão múa rối.

Anh chàng hiệp sĩ bỗng thấy một cái đầu người đàn bà thò vào trong thùng gỗ. Một tay mụ cầm ngọn đèn nhỏ giơ ra phía trước, một tay cầm cái quạt giấy che kín nửa mặt. Hai con mắt nhỏ sáng, hau háu lấc láo đảo nhìn quanh hòm xe. Mụ cất tiếng khàn khàn hỏi:

– Ngủ cả rồi à?… Có ai còn thức không?…

– Tôi. Tôi còn thức đây. – Anh chàng hiệp sĩ lên tiếng – Bà đến đòi nợ ai đấy? Bà nhầm nhà rồi.

– Không. Tao đi tìm thằng hiệp sĩ gỗ. Mày có biết nó đâu không?

– Tôi đây. Tôi là hiệp sĩ gỗ đây.

– À…

Mụ đàn bà giơ ngọn đèn soi lên mặt anh chàng hiệp sĩ gỗ, khẽ reo lên:

– Mày là hiệp sĩ… Anh là hiệp sĩ đấy.

– Vâng.

– Tôi đi tìm anh từ chập tối… Ai biết ông lão lại trọ mãi tận đây… Anh có biết đêm nay tôi tìm anh có việc gì không?…

Mụ yên lặng nhìn anh chàng hiệp sĩ, những nếp răn ở đuôi hai con mắt nheo lại. Mụ cười:

– Mày thì biết thế nào được, tao là bà tiên đây. Cuối năm tao xuống trần gian để giúp đỡ muôn loài. Tao biết mày vẫn thích thành người. Cho nên hôm nay tao đến đây phù phép cho mày thành người thật.

Anh chàng hiệp sĩ bàng hoàng cả người. Anh không biết trả lời thế nào. Sự việc đến với anh đột ngột quá, anh bối rối, ngờ vực. Anh không dám tin lời mụ già nói là thật. Mụ già ấy lại hỏi:

– Thế nào mày nói lên chứ. Mày có… anh có muốn làm người không? Ta là bà tiên thật đây mà, ta không nói dối đâu.

– Bà là bà tiên thật ư?…

Anh chàng hiệp sĩ gỗ khe khẽ hỏi lại, giọng anh run lên vì cảm động.

– Thưa bà tiên, vâng, từ lâu tôi vẫn ao ước thành người…

– Thế thì ta sẽ cho anh thành người. Ta sẽ cho cả thanh gươm gỗ của anh thành thanh gươm thật. Một thanh gươm quý chém sắt như bùn, chém rụng đầu người không kịp dây máu. Ha ha anh sẽ ở với ta. Ta sẽ cho anh một con ngựa hồng. Anh cưỡi con ngựa hồng, đeo thanh gươm báu đi suốt dọc hai bờ con sông thị trấn này: chỗ nào có vườn cam, vườn quýt ấy là của ta, anh sẽ thu về cho ta. Anh muốn bạc vàng, có bạc vàng, anh muốn có châu báu được châu báu…

– Không! Không, thưa bà… – Anh chàng hiệp sĩ vội ngắt lời mụ già – Tôi muốn làm người không phải để cưỡi ngựa hồng, đeo gươm quý, không phải để có được nhiều bạc vàng, châu báu. Bà tiên ơi! Bà hãy quay đầu lại nhìn ra gốc cây đa ngoài kia mà coi… Đấy! Ở trong cái hốc tối như miệng một cái cửa ngục ấy đêm đêm tiếng rền rỉ, khóc than đưa ra ai oán, thê thảm lắm. Ở dưới có ông già mù cả hai mắt, có những người què quặt, đói rét, có bà mẹ trốn nợ đêm ba mươi, phải cởi trần lấy áo ủ cho con, và đứa con thì chờ tết để được về nhà, được ăn bánh, chơi tranh và mặc áo mới… Bà ơi! Bà tiên ơi… Tôi làm người, tôi sẽ mang thanh gươm của tôi đi, tôi sẽ diệt trừ hết những quân cường bạo, những đứa gian tham. Tôi sẽ diệt trừ chúng nó như ông lão chủ tôi diệt trừ những con gián, con mọt ghê tởm làm hại loài rối chúng tôi. Bà tiên ơi! Tôi muốn rằng trên mặt đất sẽ không còn có người mù lòa tàn tật, không còn có tiếng than vãn, khóc lóc. Không có người ốm, không có người chết. Trẻ em có áo mới mặc ngày tết, người già mùa rét có chăn đắp, mẹ con được thương yêu nhau ở dưới mái nhà ấm cúng của mình… Thưa bà tôi sẽ…

Anh chàng hiệp sĩ gỗ nói rất say sưa. Anh nói với tất cả những mong mỏi, khao khát bấy lâu của lòng mình. Còn mụ già lại rũ xuống mà cười, mụ cười khành khạch, khành khạch.

Dứt cơn cười, mụ nhìn anh chàng hiệp sĩ lắc lắc cái đầu, có vẻ thương hại:

– Mày!… Mày, cái thứ bằng một mẩu gỗ mọt ấy cũng dám có những ý nghĩ ngông cuồng đến thế ư?… Nhưng thôi cũng được. Tao cũng cho mày làm người. Ui chao ơi! Sao cái bọn trẻ ranh chúng mày đứa nào cũng giống nhau thế. Đứa nào cũng mơ tưởng những là thế này thế nọ… Rồi đấy! Mày sẽ biết. Tao cũng cầu giời khấn phật mong cho mày giữ được những lời mày nói… Thôi bây giờ thì tao hóa cho mày thành người thật biết không. Nhưng mày phải hứa với tao, mày phải thề trước mặt tao rằng thành người rồi, việc trước tiên là mày phải giết một người…

– Phải giết một người?

– Ừ. Phải giết một đứa con gái.

Mụ già nhìn chằm chặp vào mặt anh hiệp sĩ. Hai mắt mụ nhỏ lại, trong suốt.

– Thưa bà, vì sao tôi lại phải giết người?

– Vì sao à? – Mụ già hỏi lại – Vì… vì có giết một người thì tao mới lấy hồn nó cho mày được. Nếu không mày chỉ sống được đến gà gáy thứ nhất mày sẽ trở lại kiếp gỗ. Vì tao là bà tiên. Mày nhớ tao là tiên chứ? Tao thấy đứa con gái ấy là một đứa gian ngoan ghê gớm. Nó đã giết mẹ nó đấy, cho nên phải trừng trị nó. Thế nào? Mày có dám giết nó không?

Mụ cười khẩy:

– Tao nghe mày nói làm người, mày sẽ mang thanh gươm của mày đi làm những cái gì gì ghê gớm lắm, thế mà giết một đứa con gái cũng không dám kia à?… Thôi, đây này. Một đằng làm người thật, và một đằng làm người giả, người gỗ thì…

– Thưa bà… – Anh chàng hiệp sĩ vội lắp bắp hỏi -Thưa bà đứa con gái ấy nó giết mẹ nó?…

– Ừ. Nó giết mẹ nó. Nó còn đang định giết cả em nó nữa kia đấy.

– Nó định giết cả em nó nữa?… Vâng. Tôi xin nhận.

– Thế thì mày phải thề trước mặt tao, mày thề đi. Mày phải thề rằng nếu mày không giết đứa con gái ấy thì sấm sét sẽ đánh chết mày. Mày sẽ lại trở về kiếp gỗ, muôn đời nghìn kiếp chỉ là một khúc gỗ mọt. Mày thề đi!

– Vâng. Tôi xin thề như vậy.

Mụ già gật gù cái đầu, mụ đặt cây đèn lên nóc hòm xe, nhắc anh chàng hiệp sĩ gỗ ấy ra khỏi cái đinh sắt, giơ lên. Tay kia mụ cầm chiếc quạt phẩy nhẹ vào mặt anh ba cái liền. Một luồng gió thơm ngát bay ra, tức thì hai con mắt khô cứng vẫn mở trân trân của anh chàng hiệp sĩ nhấp nháy, đảo qua đảo lại, môi mấp máy, và hai cánh mũi phập phồng thở ra những làn hơi ấm. Chân tay anh đã biết cựa quậy.

Mụ già đặt anh hiệp sĩ đứng xuống đất. Anh lảo đảo trên đôi chân còn run rẩy của mình. Từ đất bỗng chuyển lên một sức mới, anh rùng mình vươn lên, thở ra một tiếng thật dài, biến thành một người bằng xương bằng thịt cao lớn, vững chãi. Mụ già cầm lấy tay chàng hiệp sĩ kéo đi. Mụ nói như ra lệnh:

– Thôi, đi theo ta, mau!…

* * *

III

Mạ già ấy không phải là bà tiên. Mụ chính là một con mẹ phù thủy tai ác, nanh độc khét tiếng ở vùng này. Trong cái khu vực cây cối um tùm như rừng mụ ở, ít lâu nay lúc nào người ta cũng thấy có tiếng người kêu khóc thảm thiết đưa ra. Không ai biết mụ làm gì trong ấy, cũng không ai dám tò mò lại gần xem. Người ta sợ mụ thù, sợ như sợ một con rắn độc.

Từ lâu, mụ phù thủy vẫn có ý định giết một cô gái con chồng để chiếm đoạt gia tài. Mỗi năm mùa xuân đến, cô gái nhớn lên thêm một tuổi, thì cái ý nghĩ giết con chồng lại càng quyết liệt thêm trong người mụ. Mụ đã sai một người vú già đánh thuốc độc cho cô gái ấy chết. Nhưng người vú già trung hậu đã không giết cô, bà lão báo cái tin ghê gớm ấy cho cô biết, và trốn đi. Từ đấy, mụ phù thủy giam cô gái vào cái lẫm thóc ở cuối vườn. Những tiếng kêu khóc thảm thiết mà người ta vẫn nghe thấy chính là tiếng khóc của cô gái tội nghiệp ấy.

Đêm nay là đêm ba mươi tết rồi, chỉ còn có một lúc nữa thì bắt đầu một năm mới. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu tin tưởng của bao nhiêu con người trên mặt đất này đều đặt ra trong cái phút thiêng liêng ấy. Ở trong lẫm thóc, cô gái cũng thôi không khóc nữa. Cô khóc đã nhiều rồi, nước mắt không thể cứu cô ra khỏi chốn này. Và trong bóng tối chờ đợi của đêm giao thừa, cô bỗng nảy ra nhiều ý nghĩ lạ lùng. Cô nghĩ rằng: trong mênh mông của đất trời, mùa xuân đang lần lần bước tới. Mùa xuân đến sẽ mang lại hạnh phúc cho muôn loài. Cây cối khô cằn sẽ đâm chồi nẩy lộc. Hoa nở, chim hót, bướm bay và người người vui mừng hớn hở đón mùa xuân vào cuộc đời của mình. Mùa xuân đến hạnh phúc tràn đầy như vậy, cô không thể chết héo trong cái lẫm thóc tối tăm, lạnh lẽo này được. Cô nghĩ, có lẽ lúc ấy sẽ có người đến để cứu cô. Một bà tiên nhiều phép nhiệm màu. Một ông Bụt… – Ngày xưa, trong truyện Tấm Cám, Bụt đã hiện lên cứu cô Tấm vì bị mẹ ghẻ hành hạ, thì cảnh cô bây giờ Bụt cũng hiện lên cứu cô ra khỏi chốn này – một ông Bụt hiền từ, chống gậy tầm sích đến với cô, làm sáng rực cả lẫm thóc. Cô sẽ quỳ xuống dưới chân Bụt kể lể hết nỗi oan khổ của mình. Bụt sẽ dịu dàng nói: "Con ơi! Ta đã biết hết nỗi khổ của con rồi. Đêm nay ta đến cứu con đây". Và Bụt chống mạnh cây gậy tầm sích xuống đất, tức thì muôn đạo hào quang từ cây gậy thần phát ra phá tan cả cái lẫm thóc vẫn giam hãm cô.

Cô gái bỗng hốt hoảng vùng dậy. Từ phía cửa, không biết vì sao, khóa và xích bỗng rơi xuống loảng toảng, rồi cánh cửa bật tung ra. Ánh sáng từ ngoài rọi vào trong cái lẫm thóc tối. Trong ánh sáng của cây đèn, bóng một người hiện ra. Không phải là một bà tiên, cũng không phải là Bụt, mà là một chàng trai trẻ mắt sáng như sao, mũi thẳng, cằm vuông. Đầu đội khăn võ sinh màu nguyệt bạch, mình bận chiến bào lục anh vũ, chân đi ủng tía. Trên lưng cài một thanh kiếm có thắt dải lụa hồng bay phơ phất.

Trong cái cảnh tăm tối ở đây, những áo quần màu sắc ấy, rỡ ràng hẳn lên.

Cô gái sững sờ nhìn chàng trai trẻ cầm cây đèn đĩnh đạc bước vào, cô bàng hoàng tưởng như đang ở một giấc mộng đẹp đẽ nào. Người đời làm gì có người ăn mặc rực rỡ, kỳ lạ như thế kia. Đi đứng oai nghiêm đĩnh đạc như thế kia. Có lẽ đây là người mà tiên, Bụt cho xuống cứu mình? Cô vội sửa lại mái tóc chạy ra đón.

– Anh! Anh là ai?

– Tôi là hiệp sĩ.

– Anh là hiệp sĩ? Trời ơi…

Trong lòng cô gái bỗng sáng rực lên những niềm vui tin.

– Anh là hiệp sĩ? Có phải anh đến cứu tôi đấy không?

– Không, tôi đến giết cô.

Mặt anh chàng hiệp sĩ nghiêm lại. Anh nói rành rọt từng tiếng.

– Không! Không! Tôi không thể tin được anh lại giết tôi.

Anh chàng hiệp sĩ đặt cây đèn lên bệ, rút thanh gươm ra, tiến lên một bước, dằn giọng:

– Vì sao cô lại tin tôi không giết cô? Có phải rắn rết ở trong lòng cô đang hiện ra trong những lời nói khôn ngoan ấy không?

– Không! Không phải thế đâu. Tôi không thể nào tin anh lại giết tôi được vì rằng tôi trông anh…

Người con gái ngước mắt lên nhìn chằm chằm vào anh chàng hiệp sĩ. Hai mắt cô gái to và đen láy. Hai con mắt ấy bỗng vụt sáng lên, như chợt nhận thấy một điều gì vui sướng. Cô vội chạy lại gần anh chàng hiệp sĩ, mừng rỡ nói:

- Tôi trông anh quen lắm… Phải rồi, tôi quen anh đã chín mười năm nay, từ hồi tôi hãy còn để chỏm. Tôi trông anh giống như một con rối của ông lão múa rối rong, cứ đến cuối năm lại về đây diễn trò. Một con rối chuyên đóng vai hiệp sĩ cứu đời. Anh cũng là hiệp sĩ. Đây này, cái khăn đội cũng màu nguyệt bạch. Cũng áo chiến bào lục, đôi ủng tía. Và, thanh gươm. Thanh gươm cũng có dải lụa hồng buộc ở chuôi, như thanh gươm anh đang cầm ở tay kia. Trời ơi! Sao anh giống con rối ấy thế. Từ bé xem múa rối, tôi đã yêu thích, mến phục con rối ấy lắm. Thật là một con rối anh hùng, mỗi khi nó vung thanh gươm của nó lên thì mọi sự bất công, ngang trái đều được san bằng, người ngay thẳng trung hậu được giúp đỡ, đứa hung ác, gian tham phải trị tội. Tôi chưa từng thấy con rối ấy giết người hiền lành ngay thẳng bao giờ. Vì vậy tôi không thể nào tin anh lại giết tôi. Anh hiệp sĩ ơi!… Tôi không thể nào tin được.

Anh chàng hiệp sĩ thấy bối rối. Những lời nói chân thành của cô gái làm xúc động lòng anh. Trong óc anh bỗng hiện lên rất nhanh quãng đời còn làm con rối của anh khi trước. Anh nhớ từng tích, từng việc rất rõ. Anh nhớ anh đã giết những loại gian ác, hùm beo, yêu quái; và anh đã cứu được bao nhiêu cô bé, bao nhiêu ông già, bao nhiêu chú thỏ hiền lành ngây thơ… Giọng nói và nét mặt còn trẻ măng của cô gái đứng trước mặt anh kia, không phải là giọng nói và nét mặt kẻ có tội. Những đứa có tội thì tội ác đeo trên mặt nó. Nó không thể giấu được. Đúng rồi, trong quãng đời còn làm con rối, anh chưa giết một người nào như thế này.

Thanh gươm anh đã giơ lên, bỗng lại từ từ hạ xuống. Anh hỏi cô gái:

– Nhưng sao có người lại nói với tôi rằng cô đã giết người.

– Có người bảo rằng tôi giết người?

Hai mắt cô gái tròn lên, kinh sợ.

– Phải, một bà tiên bảo tôi rằng cô đã giết mẹ. Cô còn định giết cả em cô nữa.

– Tôi mà giết mẹ tôi? Trời ơi! Sao lại có chuyện lạ như vậy? Một bà tiên bảo anh?… Thôi, thôi anh nhầm rồi. Anh mắc lừa rồi. Không phải là tiên đâu. Mẹ ghẻ tôi đấy…

Nước mắt người con gái tràn ra chảy ròng ròng trên má. Anh chàng hiệp sĩ bỗng rùng mình, có một cảm giác rất lạ. Một cảm giác mà khi là gỗ anh không thấy. Một cảm giác làm anh bồi hồi, lo lắng đang chạy rồn rập trong lồng ngực anh. Anh trông thấy nước mắt. Lần đầu tiên anh trông thấy nước mắt, mà lại là nước mắt của một cô gái ngây thơ, hiền hậu chảy ra. Anh thấy hình như yếu đuối, hình như những ý chí chiến đấu trong người bấy lâu bị hụt đi. Anh bỗng quát lên để trấn áp lòng mình:

– Mẹ ghẻ cô?…

– Vâng, mẹ ghẻ tôi. Bà ấy là một mụ phù thủy. Bà ấy vẫn có cái quạt phép che nửa mặt… Bà ấy đã giết mẹ tôi, và còn đang định giết tôi để chiếm đoạt cái gia tài này… Anh hiệp sĩ ơi! Anh có biết vì sao tôi bị giam hãm ở đây không? Anh thử nghĩ xem ở cảnh đời này, một người làm nên tội ác, có bao giờ giữa đêm ba mươi tết này lại bị giam cầm trong cái lẫm thóc bỏ hoang tăm tối này không?

Anh chàng hiệp sĩ nín lặng, cúi đầu suy nghĩ. Những lời cô gái nói, anh thấy là có lý. Phải rồi, những kẻ làm nên tội ác nhất định không ở cái chốn tối tăm tồi tàn này, cũng như những người rên rỉ ở dưới gốc đa trước nhà anh trọ, những người ấy nhất định không làm nên tội ác.

Vậy thì anh nên xử trí thế nào? Nên giết, hay nên tha cho cô gái? Chao ôi! Việc của người đời, anh mới bước chân vào, sao lắm nỗi éo le, khó hiểu làm vậy? Bỗng anh quay người chạy vút ra ngoài bóng tối. Ở trong một cái miếu nhỏ gần đấy, mụ phù thủy đang ngồi thu mình dưới ngọn đèn xanh như hạt đỗ. Nghe tiếng chân người thình thịch đi ra, mụ đằng hắng hỏi:

– Xong rồi chứ?

Anh chàng hiệp sĩ đã đứng trước mặt mụ phù thủy, anh nói:

-Tôi không thể giết người con gái ấy được!

– Vì sao không giết?

Mụ vặn to ngọn đèn lên, nhìn anh chàng hiệp sĩ một cách dữ tợn.

– Tôi không giết, vì tôi không thể nghe lời một mụ phù thủy độc ác…

Mặt mụ phù thủy tức thì xám đen lại, rồi trắng bệch ra. Hai con mắt mụ xanh lè chiếu thẳng vào mắt anh chàng hiệp sĩ. Mụ nhìn anh rất lâu, bỗng mụ cười lên khành khạch, khành khạch. Mụ cười nghe như hai miếng xương khô cọ vào nhau.

– Mày không giết nó? Mày còn nhớ những lời mày thề trước mặt tao chứ?

Mặt mụ sắt lại và tất cả những nếp răn đều co rúm vào nhau như miếng vỏ cây khô.

– Phải, tao là phù thủy đây. Một con mụ phù thủy độc ác giết người đây. Ừ, phải rồi. Tao mượn tay mày giết nó đấy! Mày có giết nó không? Nếu mày không giết nó tao sẽ bắt mày trở về kiếp gỗ. Mày sẽ mục nát ra ngay ở trong cái miếu này, mày không về nổi cái hòm gỗ của mày mà múa may quay cuồng nữa đâu!

Tiếng mụ phù thủy nanh ác, tàn nhẫn. Mụ không cần giấu diếm việc mụ làm. Mụ nhận mụ là đứa gian ác. Anh chàng hiệp sĩ rùng mình. Đầu óc anh quằn lên những ý nghĩ đen tối, không dứt khoát. Bên tai anh vẫn nghe văng vẳng tiếng khóc của ông lão mất chó. Tiếng mẹ con em bé trốn nợ trong gốc đa. Anh giết cô gái hay trở về kiếp gỗ?

– Mày ngu dại lắm. Mày tưởng mày không giết thì con bé ấy nó sống được à? Mày không giết thì đứa khác giết. Tao giết, nó cũng phải chết. Còn mày, mày làm được cái gì lúc ấy? Mày cũng đã tự chết tám đời rồi, mày là khúc gỗ mục, biết chưa?

Mụ bỗng thở hắt ra một tiếng dài ngao ngán:

– Chao ôi! Tao vẫn tưởng mày là đứa chí khí kia đấy. Ai ngờ chỉ vì một đứa con gái mà mày bỏ lão ăn mày mất chó, mày bỏ mẹ con cái đứa trốn nợ, mày bỏ hết cả chí khí của mày.

Mụ ngừng lại nhìn anh chàng hiệp sĩ một giây, lại tiếp. Giọng mụ bỗng dịu hẳn xuống, khuyên lơn, ve vuốt:

– Mày tưởng rằng con bé ấy đã khổ sở lắm hay sao! Ở trên đời này những đứa như nó kể có hàng trăm hàng nghìn. Mày phải có can đảm bỏ qua cái khổ này đi, thì mới cứu được hàng trăm hàng ngàn cái khổ khác. Thôi vào đi! Vào giết nó đi! Tao đợi ngoài này…

Anh chàng hiệp sĩ càng bối rối, sợ hãi. Anh biết đấy là những lời ma quái cám dỗ, vậy mà dường như anh không cưỡng lại được, dường như có lý. Anh biết rằng mình không trấn tĩnh nổi lòng mình nữa rồi. Tiếng mụ phù thủy bỗng quát lên:

– Vào! Đi vào! Chần chừ gì nữa!…

Tiếng quát đàn áp tinh thần anh chàng hiệp sĩ. Anh như bị đẩy đi bởi một áp lực ma quái. Anh đi thất thểu vào trong cái lẫm thóc. Hai mắt đỏ ngầu ngầu. Anh nắm lấy tay cô gái, nghiến răng rút thanh kiếm ra.

Cô gái bỗng quỳ xuống, khóc rưng rức:

– Vâng, tôi xin chết. Tôi xin vui lòng chết dưới lưỡi gươm của anh. Ở trong này tôi đã nghe hết những lời mẹ ghẻ tôi nói với anh rồi. Thì ra anh chính là con rối mà tôi mến phục từ hồi còn bé. Anh hiệp sĩ ơi! Anh muốn làm người để cứu giúp những người nghèo khổ, hoạn nạn, như anh đã từng cứu giúp ở trong hòm múa rối khi xưa. Vâng, tôi xin vui lòng chết, để anh sống, anh làm những việc lớn lao, đẹp đẽ mà tôi thường mơ ước. Anh chém tôi đi! Vâng. Anh chém tôi đi…

Anh chàng hiệp sĩ bỗng thở dài buông thõng tay xuống. Anh xấu hổ. Anh thấy anh không xứng đáng với tấm lòng tin cậy, cao cả của cô gái. Trong một lúc anh vụt nghĩ đến những con mắt của những người bạn trẻ vẫn xem anh diễn trò ở các chợ. Những con mắt lay láy, tin cậy, mến phục anh. Những con mắt ấy nếu chúng nhìn thấy anh vung gươm lên giết cô gái trong trắng, hiền hậu này thì sẽ như thế nào? Những con mắt mãi mãi dõi theo việc làm của anh. Đầu óc anh chàng hiệp sĩ bỗng vụt sáng lên một cách kỳ lạ. Anh cúi xuống, nâng cô gái dậy:

– Tôi không thể giết cô được. Thanh gươm của tôi chỉ để cứu người ngay thẳng trung hậu. Đêm nay tôi sẽ đưa cô ra khỏi cái lẫm thóc tối tăm này…

– Không! Anh hiệp sĩ ơi! Anh đưa tôi ra khỏi cái lẫm thóc này sao được. Mụ phù thủy sẽ thu hồn anh.

– Mụ không thể thu được hồn tôi. Tôi chỉ mất hồn khi tôi làm những điều trái với lương tâm tôi… Thôi ta ra khỏi chốn này, mùa xuân đang chờ chúng ta ở ngoài kia.

Anh chàng hiệp sĩ cầm tay cô gái dắt ra khỏi lẫm thóc. Tiếng pháo giao thừa bỗng nổ ran lên. Rồi tiếng trống động thổ ở các đền, các chùa cũng ầm ầm nổi theo.

Trong tiếng pháo, tiếng trống, tiếng mụ phù thủy rống rít lên:

– Thằng hiệp sĩ kia! Thằng vong ơn bội nghĩa kia! Mày dám phản tao à? Mày phải chết!

Mụ xòe cái quạt đánh phạch:

– Tao sẽ thu hồn mày vào trong cái quạt này.

Anh chàng hiệp sĩ cũng rút gươm, tiến lên. Anh nhìn thẳng vào mặt mụ phù thủy dõng dạc nói:

– Thanh gươm này chưa bao giờ biết sợ những lời dọa nạt của những kẻ gian ác.

Mụ phù thủy cười gằn, mụ giơ chiếc quạt phẩy nhẹ một cái. Một luồng gió bay ra thổi vào mặt anh chàng hiệp sĩ lạnh buốt.

Anh chàng hiệp sĩ vung gươm lên đón đỡ. Nhưng hơi gió từ cái quạt thổi ra mỗi lúc một dữ dội. Tiếng gió cứ rít lên quấn lấy người anh chàng hiệp sĩ. Anh bỗng rùng mình, tiếng mụ phù thủy vừa cất lên quái gở:

– Ba hồn bảy vía thằng hiệp sĩ ở đâu thì về mà chịu tô ộ ội!… Về ngay… Ba hồn bảy vía…

Mặt anh chàng hiệp sĩ tối sầm lại. Tay chân anh bủn rủn. Anh thấy hình như sức sống trong người anh bị rút đi. Và anh ngã khuỵu xuống, một bên chân anh liệt hẳn, giá lạnh, bấm không biết đau nữa. Hình như nó đã thành gỗ rồi.

Anh chàng hiệp sĩ gỗ hốt hoảng vùng đứng lên, nhưng anh lại ngã khuỵu xuống. Đúng cái chân anh thành gỗ rồi.

Mụ phù thủy đã tiến lại gần anh. Mụ vẫn hú lên những tiếng hú ghê rợn:

– Ba hồn bảy vía thằng hiệp sĩ… Ở đâu thì về mà chịu tội…, nhá á á…

Người anh chàng hiệp sĩ như nhẹ đi, mệt mỏi rã rời, anh đỡ gạt luống cuống. Thôi con mụ phù thủy sắp hại anh rồi. Anh sắp lại trở về kiếp gỗ và chết mục trên miếng đất này.

Xung quanh tiếng pháo mừng đón mùa xuân vẫn nổ liên tiếp. Tiếng pháo như không bao giờ ngừng. Anh chàng hiệp sĩ bỗng nhớ lại những lúc anh đánh nhau với kẻ thù ở trong cái hòm gỗ trước kia. Anh nhớ lại những tiếng hát của ông lão múa rối khuyên lơn, khích lệ anh những khi anh chán nản, yếu đuối: "Khi ta thấy tình thần ta yếu đuối, thì chính sự yếu đuối ấy sẽ đè chết ta; vượt qua được, ta sẽ thắng được quân thù…"

Mụ phù thủy đã đứng trước mặt anh chàng hiệp sĩ, mụ trỏ ngược cái giáo quạt vào mặt anh, nheo một bên mắt cười:

– Mày thử đứng lên tao xem nào. Mày không đứng lên được nữa đâu. Chân mày thành gỗ rồi. Hừ, trứng chọi sao lại được với đá! Tao chỉ phẩy nhẹ một cái nữa thì cả người mày trở về kiếp gỗ, thanh gươm mày đang cầm ở tay kia cũng thành gỗ nốt.

Mụ ngừng lại, nhìn anh dằn giọng:

– Nhưng tao cũng rộng phép cho mày nghĩ lại. Nếu mày quay gươm giết con bé khốn kiếp kia, thì tao sẽ tha cho mày.

– Tha cho tao à? Ha ha ha ha…

Anh chàng hiệp sĩ cười lớn. Lòng khinh thị và căm tức làm anh bật cười. Tiếng cười đầu tiên của một con rối bằng gỗ đã thành người. Tiếng cười của một con người thực có mặt ở cuộc đời. Tiếng cười cứ rung lên sang sảng như tiếng nhạc đồng, và làm sáng sủa cả cái không khí u uất ghê rợn lúc bấy giờ. Tiếng cười tự đáy lòng anh chàng hiệp sĩ phát ra, chuyển cho anh một sức sống mới, tan biến mọi sự yếu đuối đang đè trĩu trên người anh.

Con mẹ phù thủy bỗng lùi lại, lùi lại… Tiếng cười đuổi theo làm mụ hoảng sợ. Mụ đã từng giết nhiều người. Mụ chưa thấy một người nào như vậy. Trước cái chết mụ chỉ thấy người ta khóc lóc van xin. Anh chàng hiệp sĩ này đứng trước cái chết lại cười. Thật là ghê rợn đối với con mẹ phù thủy.

"Thắng được sự yếu đuối, ta sẽ thắng được quân thù". Tiếng cười đã thắng được sự yếu đuối trong người anh chàng hiệp sĩ. Anh hét lên một tiếng, chuyển hết gân cốt vung gươm, đứng dậy. Những chỗ tê bại trên người anh vụt biến đi. Anh vũ động thanh gươm cuốn lên, lấp loáng như một cơn lốc. Anh đã dùng đến những đường gươm bí hiểm nhất mà trước kia chỉ khi nào đánh nhau với yêu ma, hổ báo anh mới dùng đến.

Trong tiếng pháo giao thừa và tiếng trống động thổ như tiếng trống trận, một đường gươm loáng lên như một ánh chớp cắt ngang những ý muốn độc ác của con mụ phù thủy. Cả người mụ đổ xuống.

Xung quanh tiếng pháo vẫn nổ ran trong các xóm làng, ấp trại. Lẫn có cả tiếng gà kéc ke gáy gọi ông mặt trời năm mới…

* * *

Một buổi sáng đầu năm, mưa phùn bay trắng trên thị trấn Bến Cam. Trên con đường đỏ sẫm lầy lội, ông lão múa rối rong ung dung đẩy cái xe bánh gỗ cọt kẹt từ trong phố đi ra.

Mấy đứa trẻ đang đánh đáo trong lều chợ nhìn ra trông thấy, chúng nó cùng reo lên, à à chạy ra đón. Một đứa cong cổ gọi:

– Cụ ơi! Cụ múa rối ơi! Cụ đã đi đấy à?

Ông lão múa rối ngửng mặt lên, toét miệng cười:

– Phải đi chứ! Ở đây mãi ai nuôi? Hì…

– Này cụ ơi! Cháu hỏi…

Ông lão dừng xe lại, và đám trẻ con tíu tít vây xung quanh.

– Cháu hỏi, sao mấy hôm hội chùa diễn trò rối không tích nào có anh hiệp sĩ?

– Anh ấy đâu? Anh ấy đâu hở cụ?

Đám trẻ con nhao nhao tranh nhau hỏi.

– Anh hiệp sĩ ấy à… Anh hiệp sĩ thì thì để sang năm làm con khác các cháu nhá. Sang năm làm một anh mới rõ thật đẹp…

– Sao lại làm anh mới? Làm mới còn kể gì nữa, chúng cháu không thích. Thế anh ấy đâu? Cụ bỏ anh ấy đâu rồi?…

Bị hỏi dồn, ông lão đâm ra lúng túng. Ông lão chặc lưỡi nói liều:

– Chậc, anh ấy hóa thành người rồi.

– Thành người à?

Đám trẻ con tròn cả miệng, cả mắt kêu lên:

– Thế anh ấy có đem thanh gươm đi không?

– Có chứ. Có đem thanh gươm đi chứ.

– Thích nhỉ. Tao gặp anh ấy tao đi theo ngay.

Lũ trẻ xuýt xoa. Ông lão múa rối lại đẩy cái xe đi. Cái xe cút kít in trên đường đất đỏ hai vệt bánh xe sâu hoẳm. Đám trẻ con đứng nhìn theo hút bóng ông lão đẩy cái xe trên con đường xa tít trước mặt.

Trước mắt các em lại hiện lên bóng dáng hùng dũng của anh chàng hiệp sĩ gỗ đầu đội mũ võ sinh màu nguyệt bạch, mình bận chiến bào lụa màu lục anh vũ, lưng thắt dây văn võ màu xanh, chân giậm ủng tía, trên lưng cài một thanh kiếm phơ phất dải lụa hồng.